Kiến nghị xử lý hơn 28 tỷ đồng sau kiểm toán việc quản lý tài nguyên khoáng sản tại Quảng Ngãi

(BKTO) - 28,228 tỷ đồng là số tiền Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính khi kiểm toán công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, cần xử lý số thuế tài nguyên là 1,589 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường 645 triệu đồng; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 25,991 tỷ đồng…

qn.jpg
Hoạt động khai thác khoáng sản của 01 doanh nghiệp tại Quảng Ngãi. Ảnh: TTXVN

Cùng với kết quả trên, KTNN kết luận công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự kiểm tra, giám sát, để xảy ra các sai phạm làm lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản.

Rủi ro thất thu ngân sách nhà nước

KTNN chỉ rõ, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính chưa được thu đúng, thu đủ và chưa kịp thời vào NSNN là thuộc trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh; buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm công vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cơ quan Thuế, cần phải được làm rõ để chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới. Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

KTNN cũng đánh giá, công tác quản lý nguồn thu ngân sách và công tác phối hợp, chống thất thu và thu hồi nợ thuế giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời và chưa đảm bảo quy định; công tác thanh, kiểm tra còn trường hợp xử lý chưa đầy đủ, chưa đúng hành vi vi phạm, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây thất thu cho NSNN.

Việc khai thác tài nguyên khoáng sản tại 21 doanh nghiệp còn chưa chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản nhưng các cơ quan quản lý nhà nước không thực đúng nhiệm vụ được giao trong quản lý, kiểm tra, giám sát và chưa có biện pháp xử lý kịp thời hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền để xử lý theo qui định của pháp luật về khoáng sản.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát hồ sơ khai thuế chưa kịp thời, chưa phát hiện các sai sót trên hồ sơ khai thuế để yêu cầu người nộp thuế giải trình.

Chẳng hạn, Công ty CP Đầu tư Hà - Mỹ Á có trữ lượng khai thác theo Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 22/01/2018 là 95.775m3, đến thời điểm đóng mỏ, Công ty đã khai thác hết trữ lượng theo Quyết định 606/QĐ-UBND ngày 08/8/2019 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, Công ty khai thuế tài nguyên từ năm 2018 và 2019 là 23.187m3, chênh lệch giữa sản lượng khai thuế và sản lượng cấp phép 72.588m3. Đến thời điểm kiểm toán, Công ty và Sở TN&MT chưa cung cấp được hồ sơ xác định trữ lượng còn lại trước và sau lũ để làm cơ sở đối chiếu với sản lượng thực tế đã khai thác.

Trong công tác quản lý nợ thuế, KTNN chỉ ra tình trạng tiền thuế nợ khó thu còn cao (6.711 triệu đồng). Có 13 doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản kéo dài (nợ tiền cấp quyền 5.249 triệu đồng) nhưng Cục Thuế chưa phối hợp với Sở TN&MT để có biện pháp xử phạt theo quy định.

Qua kết quả kiểm tra, đối chiếu tại 25 doanh nghiệp, KTNN kiến nghị xử lý tài chính, số tiền 2.523 triệu đồng (thuế tài nguyên 1.525 triệu đồng, phí Bảo vệ môi trường 646 triệu đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 350,4 triệu đồng, thuế GTGT 1,3 triệu đồng).

Khai và tính thuế tài nguyên chưa đúng

Liên quan đến việc khai thuế tài nguyên đối với các đơn vị khai thác đá làm vật liệu xây dựng, Tổng cục Thuế đã có văn bản hướng dẫn việc khai thuế tài nguyên đối với Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi tại Công văn số 3193/TCT-CS ngày 07/8/2020.

tn(1).jpg
Quảng Ngãi đã quy hoạch nhiều mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường. Ảnh: thanhnien.vn

Theo đó, cơ sở sản xuất kinh doanh khai thác đá làm vật liệu xây dựng, sau nổ mìn thu được đá xô bồ, một phần đá xô bồ được bán ra sau khi khai thác, phần còn lại đưa vào xay nghiền thành đá các ly mới bán ra thì giá tính thuế là giá bán của đơn vị đá xô bồ, nếu thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh quy định thì giá tính thuế theo giá do UBND tỉnh quy định.

Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng có hướng dẫn việc kê khai nộp thuế tài nguyên theo sản lượng và giá bán của từng loại sản phẩm đá thu được qua đập, nghiền; hoặc quy đổi ra sản lượng của loại đá có sản lượng bán ra lớn nhất trong tháng, trong năm để kê khai thuế cho toàn bộ sản lượng tài nguyên khai thác trong tháng và quyết toán năm.

Trên cơ sở Thông tư số 152/2015-TT-BTC và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế, các đơn vị khai thác đá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vừa khai thuế tài nguyên theo sản lượng của từng loại sản phẩm bán ra, vừa quy đổi về sản lượng sản phẩm tài nguyên bán ra lớn nhất, vừa quy đổi về sản lượng đá xô bồ để khai, nộp thuế tài nguyên.

Cụ thể, qua kiểm tra, đối chiếu tại 04 đơn vị khai thác đá làm vật liệu xây dựng, các đơn vị đều khai thuế tài nguyên bằng cách quy đổi từ sản phẩm tài nguyên bán ra về sản lượng tài nguyên nguyên khai (đá xô bồ) và giá tính thuế tài nguyên là giá do UBND tỉnh quy định do giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá do UBND tỉnh quy định. Tổng số thuế tài nguyên phải nộp theo hồ sơ khai quyết toán thuế của 04 đơn vị nêu trên là 55.967 triệu đồng.

Theo KTNN, nếu các đơn vị khai nộp thuế tài nguyên theo sản lượng và giá bán của từng loại sản phẩm tài nguyên theo đúng hướng dẫn thì số thuế tài nguyên phải nộp của 04 đơn vị khai thác đá là 94.024 triệu đồng; chênh lệch so với việc xác định thuế tài nguyên đơn vị đang kê khai là 38.057 triệu đồng.

Một bất cập nữa là các đơn vị có cùng mô hình khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhưng có sự chênh lệch lớn về thuế tài nguyên phải nộp do việc xác định sản lượng tính thuế tài nguyên chưa đồng nhất và giá tính thuế của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành đối với từng sản phẩm đá có sự chênh lệch lớn so với giá tính thuế của tài nguyên nguyên khai (đá xô bồ).

Đơn cử, giá tính thuế đối với đá sau nổ mìn, đá xô bồ được UBND tỉnh ban hành có mức giá 85.000 đồng/m3, trong khi đó, giá tính thuế đối với các sản phẩm đá dăm các loại có mức giá từ 168.000 đồng đến 240.000 đồng/m3./.

Cùng chuyên mục
Kiến nghị xử lý hơn 28 tỷ đồng sau kiểm toán việc quản lý tài nguyên khoáng sản tại Quảng Ngãi