Kinh tế 2017: Lạc quan nhưng không được chủ quan

(BKTO) - Đây là quan điểm chung của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ ngày 24/10, về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm quốc gia 2018-2020.



Nhiều điểm sángnhưng không ít thách thức

Đánh giá về bức tranh kinh tế năm 2017 dựa trên báo cáo của Chính phủ, kết quả nổi bật nhất được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập là sau nhiều năm nỗ lực, kinh tế năm 2017 dự kiến đạt và vượt kế hoạch 13/13 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ về đích 6,7%, sau nhiều năm hụt kế hoạch; mức bội chi NSNN thấp nhất trong 10 năm qua; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%…

Theo đánh giá của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM), năm nay chúng ta hoàn thành mục tiêu kép: vừa kiểm soát được lạm phát, lại kéo giảm được lãi suất. Bội chi cũng được kiểm soát, giảm được 4.000 tỷ đồng và giữ 3,5% GDP; kiểm soát nợ công tốt... Nhiều đại biểu khác cũng bày tỏ sự lạc quan và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) nhận xét, 13/13 chỉ tiêu dự báo đạt và vượt kế hoạch là kết quả phấn đấu chung, nhưng rất nổi bật là sự điều hành của Chính phủ và các Bộ.

Các đại biểu trao đổi, trò chuyện bên hành lang Quốc hội.
Ảnh: THANH HẢI

Chia sẻ với Chính phủ về những kết quả đạt được, song các đại biểu Quốc hội cũng phân tích, chỉ rõ những bất cập, hạn chế của nền kinh tế đất nước. Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Quốc hội cần ghi nhận nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng DN, các tầng lớp nhân dân trong điều kiện khó khăn nhưng đã thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý không được chủ quan, vì để đạt được tăng trưởng cả năm 6,7% thì ngay trong quý này phải có mức tăng trưởng 7,31%.

Phân tích về các yếu tố tác động đến tăng trưởng, theo Chủ tịch Quốc hội như quý 3 vừa qua, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh nhưng chủ yếu nhờ vào một số sản phẩm điện tử, kim loại nhất định, chứ không phải tổng thể. Nếu sản phẩm đó suy giảm là ảnh hưởng đến ngân sách, tăng trưởng.

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cũng bày tỏ lo ngại khi chỉ ra rằng, tăng trưởng của năm 2017 nhờ xuất khẩu là chủ yếu, gấp đôi kế hoạch, kết quả này phụ thuộc khá lớn vào DN FDI, nhưng các DN này cũng nhập nguyên vật liệu từ nước khác rất lớn, rõ nhất là Samsung và Formosa. DNNN chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị nên giá trị gia tăng thấp.

Sốt ruột về tình trạnglãng phí, phân bổ vốn chậm

Mối lo ngại khác được các đại biểu Quốc hội chỉ ra tại phiên thảo luận đó là nghịch lý thu ngân sách khó khăn nhưng chi tiêu còn lãng phí, nợ công lớn, giải ngân vốn chậm.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), tăng thu ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn là sự cố gắng, quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài chính. Nhưng vấn đề đặt ra là chi tiêu lãng phí còn lớn. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải thắt chặt chi tiêu, giảm chi, nhất là giảm chi hành chính, khắc phục tình trạng chỉ lo giải ngân mà không tính đến hiệu quả; tình trạng chi khống, làm khống…

Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) phân tích, hiện ngân sách vẫn đang "nặng gánh" với việc chi thường xuyên khi đã nỗ lực trong việc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn mà hiệu quả mang lại chưa cao. Phần chi cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng còn lại rất ít. Trong khi đó, nguồn vốn huy động xã hội giữ vai trò rất lớn đang bị ảnh hưởng rất nhiều từ câu chuyện BOT giao thông. "Không có đầu tư hôm nay sẽ ảnh hưởng cho nhiều năm sau đó. Vì vậy, cần sử dụng vốn nhà nước một cách tiết kiệm, hiệu quả. Còn với vốn tư nhân, cần tập trung trí tuệ để đề ra được giải pháp thu hút vốn trong dân, vốn nhàn rỗi, tạo điều kiện có lợi nhuận cho DN vì nếu không DN dù có tiền cũng không thể đầu tư cho xã hội" - ông Thể nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) thẳng thắn chỉ ra 3 lãng phí của nền kinh tế. Đó là nguồn nhân lực, đất đai và xây dựng cơ bản. Đại biểu đặt vấn đề: Tại sao nói mãi nhưng cổ phần hóa DNNN vẫn chậm? Thoái vốn chậm nguyên nhân do đâu? Vì lý do gì? Bộ, ngành nào chậm? “DN là sức khỏe của nền kinh tế. Nếu không thúc đẩy được thì kinh tế đất nước không thể phát triển cho nên cần làm quyết liệt hơn nữa” - đại biểu đề nghị.

Đề cập đến vấn đề giải ngân vốn chậm, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (TP.HCM) chỉ ra thực tế, nhiều dự án trọng điểm đang thiếu vốn, trong khi có dự án lại có tiền không tiêu được. Việc chậm giải ngân vốn sẽ ảnh hưởng đến dài hạn, tiềm ẩn những rủi ro tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cũng đề nghị phân tích rõ nguyên nhân tại sao giải ngân vốn chậm. Các tổ chức nước ngoài than phiền Việt Nam thiếu tiền đi vay, nhưng khi đã vay được rồi lại không bố trí đủ vốn đối ứng để giải ngân khoản vay đó. Đại biểu kiến nghị, trong năm 2018, trật tự phân bổ vốn đầu tư công cần thực hiện nghiêm theo Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời rà soát, đảm bảo cơ cấu chi để tăng chi cho đầu tư phát triển.
NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 26-10-2017
Cùng chuyên mục
  • Nợ công tăng nhanh - cần đề phòng rủi ro và tăng cường quản lý
    7 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Để góp phần hoàn thiện Luật, tại Hội nghị “Quản lý nợ công ở Việt Nam - Thực trạng và các khuyến nghị chính sách”, Tổ chức Oxfam và các chuyên gia cho rằng đang tồn tại hàng loạt rủi ro tiềm ẩn đối với nợ công của nước ta, đồng thời đưa ra những khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả trong quá trình quản lý lĩnh vực này.
  • Sau năm cao điểm 2018, sẽ kiểm toán toàn diện các công ty nông lâm nghiệp
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- “Sau năm cao điểm thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp, sang năm 2019, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn diện hoạt động của các công ty để biết ai làm tốt, vướng mắc gì, trách nhiệm ở đâu để báo cáo Quốc hội”, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
  • Ứng dụng công nghệ cao  trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Diễn đàn nông dân Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều nông dân đã bày tỏ băn khoăn về việc ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp thông minh (nông nghiệp 4.0).
  • Đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
    7 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã đặt ra yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình đổi mới vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải có những bước chuyển mạnh mẽ về chính sách và sự quyết liệt trong hành động để có thể nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cũng như góp phần cơ cấu lại NSNN.
  • Phát động Giải báo chí toàn quốc viết về ngành tài chính
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Mới đây, BộTài chính đã phát động cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc viết về ngành tàichính” nhằm nêu bật những kết quả, thành tích đạt được trong công tác tàichính, ngân sách, khẳng định vai trò của ngành Tài chính đối với sự nghiệp xâydựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thông qua giải, Bộ Tài chính hy vọng sẽ nhậnđược những giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng nền tài chính quốcgia vững mạnh.
Kinh tế 2017: Lạc quan nhưng không được chủ quan