Malaysia: Ngân sách bị chi lãng phí cho thiết bị y tế kém chất lượng

(BKTO) - Theo một báo cáo của Tổng Kiểm toán Malaysia được công bố ngày 16/02, chỉ 28 trong tổng số 136 máy thở mà Bộ Y tế nước này nhận được thông qua quy trình mua sắm khẩn cấp có thể sử dụng được; 108 chiếc còn lại không được sử dụng do không phù hợp và không an toàn cho bệnh nhân.

Báo cáo kiểm toán cho biết, quy trình mua sắm máy thở bắt đầu được thực hiện vào ngày 25/3/2020 sau khi Chính phủ đồng ý cho Bộ mua thêm 500 máy thở để đáp ứng nhu cầu cấp bách của các bệnh viện công trong việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

untitled.png
Công tác quản lý thiết bị y tế chưa chặt chẽ. Ảnh sưu tầm

Bộ Y tế đã nhập máy thở từ một công ty được lưu tên trong hồ sơ của Bộ là “260790-T”. Bộ đã trả lại 15 máy thở không được sử dụng trong số 108 máy trên, tuy nhiên lại không thể yêu cầu công ty này bồi thường khoản tiền lên tới 13,07 triệu ringgit Malaysia (RM), gần 3 triệu USD, chi phí mua 93 chiếc còn lại vì Bộ không có hợp đồng mua sắm với “260790-T”. Số máy này hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết, nhiều máy hiện không hoạt động. Người phát ngôn của Bộ Y tế cho biết, các máy móc này được mua bên ngoài nên không có bảo hành. Các nhà cung cấp đã tiến hành kiểm tra và sửa chữa nhưng không sửa được.

Báo cáo nhấn mạnh: “Bộ Y tế đã không cung cấp cho kiểm toán viên các tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua sắm máy thở giữa Bộ và nhà cung cấp, do đó kiểm toán viên không thể xác định vai trò và trách nhiệm của công ty có tên “260790-T” với tư cách là nhà cung cấp máy thở cho Bộ”.

Báo cáo kiểm toán cho biết thêm, tính đến tháng 4/2022, Bộ đã chi tổng cộng 4,462 tỷ RM để mua 75,88 triệu liều vắc-xin Comirnaty, AstraZeneca, CoronaVac và Convidecia. Tuy nhiên, trong số đó có 11,59 triệu liều vẫn chưa được sử dụng và 1,1 triệu liều đã hết hạn sử dụng. Ngoài ra, hiện Bộ Y tế vẫn còn số lượng lớn các thiết bị bảo vệ cá nhân dư thừa, trong khi đó lại không đảm bảo công tác bảo quản, do đó nhiều thiết bị có khả năng không thể sử dụng được do chất lượng không đảm bảo và hết hạn sử dụng.

Báo cáo kiểm toán khuyến nghị, Bộ Y tế cần chấn chỉnh lại hoạt động mua sắm công, đặc biệt lựa chọn kỹ các nhà thầu có năng lực và tuân thủ quy định; cần có các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nhu cầu tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19, tiếp tục sử dụng vắc-xin tránh trường hợp để thuốc hết hạn. Cùng với đó, Bộ cần tăng cường công tác quản lý thiết bị y tế một cách hiệu quả và thận trọng hơn./.

Cùng chuyên mục
Malaysia: Ngân sách bị chi lãng phí cho thiết bị y tế kém chất lượng