Một số kiến nghị đối với hoạt động kiểm toán chuyển giá

(BKTO) - Chuyển giá là hoạt động mua bán nội bộ giữa các đơn vị thành viên trong một tập đoàn khi giá giao dịch lên rất cao hoặc xuống rất thấp và ở mức độ bất hợp lý, có thể gây hệ lụy đối với nền kinh tế. Điều này đặt ra vấn đề phải kiểm soát vĩ mô đối với hoạt động chuyển giá thông qua việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của kiểm toán độc lập và KTNN.



8 dấu hiệu nhận biết hành vichuyển giá trong doanh nghiệp FDI

Khối DN FDI chia làm 2 nhóm: DN FDI là thành viên của các công ty đa quốc gia (TNCs) và DN FDI do các nhà đầu tư cá nhân đơn lẻ đầu tư vốn và góp vốn. Trong đó, chỉ nhóm các DN FDI là thành viên của TNCs có hoạt động chuyển giá. 8 dấu hiệu nổi bật để nhận biết hành vi chuyển giá:

Một là, lỗ lũy kế qua nhiều năm trong khi quy mô hoạt động và doanh số của DN FDI vẫn ổn định, thậm chí tăng trưởng qua các năm.
Hai là, thông thường, chuyển giá có thể thực hiện nhưng không đến mức tạo nên lỗ trên báo cáo tài chính (BCTC). Với các thế mạnh của DN FDI, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn mức trung bình của ngành là một chỉ báo về chuyển giá.

Ba là, DN FDI có lãi trong thời gian được miễn thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế. Sự thay đổi trong kết quả hoạt động báo cáo (lãi, lỗ) của DN FDI gắn liền với thời điểm phải thực hiện nghĩa vụ thuế cho thấy mục tiêu DN hướng tới có vẻ như muốn tránh/giảm thuế phải nộp.

Bốn là, các dịch vụ nội bộ như: tư vấn quản trị, đào tạo… thường không tái diễn đều đặn giữa các năm. Do đó, nếu các chi phí này chiếm tỷ trọng lớn và kéo dài ổn định qua nhiều năm thì đó là điều bất thường.

Năm là, chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu… từ bên liên kết với tỷ trọng lớn trong tổng mua sắm từ các nguồn. Nếu nguyên vật liệu, máy móc… có thể mua từ nguồn địa phương với ưu điểm thuận tiện về vận chuyển, chủ động về thời gian… nhưng DN FDI vẫn lựa chọn nhập khẩu từ bên liên kết thì đó là dấu hiệu chuyển giá.

Sáu là, các đối tượng được chuyển giao như: nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ, dịch vụ đào tạo… mang tính đặc thù (do độc quyền) và không có đối tượng có khả năng so sánh trên thị trường, tức là không có giá trị tham chiếu và khó có căn cứ để đánh giá giá chuyển nhượng. Nguy cơ chuyển giá ở những đối tượng này cao hơn rất nhiều.

Bảy là, DN FDI có giao dịch với bên liên kết có trụ sở ở Thiên đường thuế. Dấu hiệu này cho thấy mục tiêu quan trọng mà công ty hướng tới là giảm thuế, do đó, khả năng nảy sinh chuyển giá sẽ cao hơn các DN FDI khác.

Tám là, khi có yêu cầu của cơ quan thuế, DN FDI không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu về thời hạn cung cấp thông tin, tài liệu minh chứng cho việc định giá thị trường trong giao dịch với bên liên kết.

Tăng cường vai trò của kiểm toánđộc lập và Kiểm toán Nhà nước

Để kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi chuyển giá trên, cần tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán BCTC của DN FDI và đặc biệt là DN FDI có dấu hiệu chuyển giá. Luật Kiểm toán độc lập yêu cầu BCTC hằng năm của DN FDI phải được kiểm toán. Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 550 cũng quy định rõ trách nhiệm của kiểm toán viên (KTV) trong việc xác định giá trị giao dịch với các bên liên quan khi kiểm toán BCTC hằng năm. Chuyển giá là hoạt động dàn xếp có chủ ý, tinh vi, khó phát hiện nên KTV phải quán triệt nguyên tắc thận trọng trong hoạt động nghề nghiệp. Khi không thể thu thập nhiều hơn các bằng chứng cần thiết, KTV phải lựa chọn ý kiến kiểm toán như ngoại trừ hay từ chối đối với giá trị giao dịch nghi ngờ.

Mặt khác, Luật Kiểm toán độc lập quy định những nội dung kiểm toán không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán, có nghĩa KTV phải thực hiện tất cả các thủ tục kiểm toán cần thiết để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán nhằm đưa ra ý kiến khẳng định hoặc loại trừ cho các nghi vấn. Điều này đòi hỏi kiểm toán độc lập phải tập trung kiểm toán các hoạt động có dấu hiệu chuyển giá và thực hiện đến cùng tất cả thủ tục kiểm toán cần thiết để xác minh giá trị giao dịch với các bên liên quan đến BCTC trong năm được kiểm toán.

Việc kiểm toán hoạt động chuyển giá có thể triển khai theo hướng kiểm toán riêng hoặc kiểm toán kết hợp trong kiểm toán BCTC. Nội dung kiểm toán cần được thực hiện tổng hợp trên tất cả các phương diện chuyển giá. Trước mắt, đối tượng kiểm toán tập trung vào DN FDI là thành viên của TNCs.

Mặt khác, hiện nay, theo quy định, vốn ban đầu của các DN FDI phải thông qua Hội đồng Thẩm định giá. Do đó, chuyển giá đối với tài sản góp ban đầu thường được kiểm tra. Nhưng phần vốn tăng trong quá trình hoạt động của DN FDI lại không thuộc diện phải kiểm tra. Do đó, cần bổ sung quy định kiểm toán bắt buộc đối với phần vốn góp tăng thêm của các DN FDI.

Bên cạnh vai trò của kiểm toán độc lập, hoạt động chuyển giá đặt ra yêu cầu phải tăng cường sự tham gia của KTNN. Các DN liên doanh có phần vốn góp của Nhà nước là khách thể kiểm toán của KTNN. Nếu các DN liên doanh có hành vi chuyển giá nghiêm trọng, KTNN cần quan tâm đánh giá việc chấp hành các quy định về thuế, phí của các DN này. Về phương thức, kiểm toán chuyển giá có thể được thực hiện kết hợp với kiểm toán BCTC hoặc kiểm toán riêng hoạt động có dấu hiệu chuyển giá nếu nhận thấy nghiêm trọng. Đối với các cuộc kiểm toán hoạt động chuyển giá có quy mô lớn, tính chất phức tạp, KTNN có thể mời kiểm toán độc lập hay công ty thẩm định giá. Sự cộng tác và hỗ trợ của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới cũng sẽ giúp cho KTNN Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong kiểm toán hoạt động chuyển giá.

Công khai kết quả kiểm toán hoạt động chuyển giá sẽ tạo áp lực xã hội đối với các DN có hành vi chuyển giá nghiêm trọng, từ đó có tác dụng ngăn ngừa DN thực hiện các hành vi này.
(Lược ghi tham luận của PGS,TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA - Đại học Kinh tế Quốc dân - tại Hội thảo: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của KTNN”)
Cùng chuyên mục
Một số kiến nghị đối với hoạt động kiểm toán chuyển giá