Năm 2024: Việt Nam có cơ hội thay đổi mô hình tăng trưởng

GS,TS. HOÀNG VĂN CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội | 10/02/2024 10:45

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Các dự báo cho thấy kinh tế thế giới có thể bớt khó khăn hơn.

dai-bieu-hoang-van-cuong.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Ví dụ lạm phát có thể giảm; các nước lớn (như Mỹ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức kinh tế thế giới đều dự báo các khu vực kinh tế thế giới có tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm 2023. Điển hình như: Tăng trưởng kinh tế chung thế giới năm 2024 có thể giảm còn 2-2,4% so với mức 3% của năm 2023; kinh tế Mỹ năm 2023 đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,5% thì sang năm 2024 có thể chỉ còn khoảng 1,5%; Nhật Bản năm 2023 đạt 2% thì sang năm 2024 có thể chỉ còn 1%. Ngay như Trung Quốc năm nay là 5,2%, nhưng sang năm sẽ xuống dưới 5%... Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 của hầu hết các khu vực sẽ chậm lại nhưng không có nghĩa là nền kinh tế suy thoái mà đi vào thời kỳ "hạ cánh mềm", bởi lẽ năm 2023 đã tăng lên, năm 2024 tiếp tục tăng nhưng không thể giữ được đà tăng cao.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam lại đặt mục tiêu ngược lại so với thế giới. Năm 2023, GDP đạt khoảng 5,05% và nước ta mong muốn năm 2024 phải đạt 6 đến 6,5%. Rõ ràng đó là một thách thức vô cùng lớn. Như vậy, chúng ta phải tạo ra những bứt phá rất mạnh mẽ thì mới có thể đạt được mục tiêu này. Bởi lẽ, trong bối cảnh thế giới khó khăn như năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn tăng khá đều. Quý I, tăng trưởng 3,41%, quý II khoảng 4,5%, sang quý III đạt 5,7% và đến quý IV lên 6,7%. Như vậy, đồ thị tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang đi rất đều, áp lực về lạm phát, các vấn đề tiền tệ ổn định, các chính sách trong nước cũng có thể được nới rộng và bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 có xu hướng sẽ tốt hơn. Điều ấy chứng tỏ rằng môi trường bên trong và bên ngoài cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đang được cải thiện và xu hướng kinh tế đang tăng, do đó chúng ta kỳ vọng nó sẽ đi tiếp chu kỳ năm trước và có thể đạt mục tiêu.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều cơ hội mới mở ra như tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đã yêu cầu phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ để tạo ra xung lực lớn hơn. Đặc biệt, chúng ta phải đón bắt ngay những cơ hội, động lực tăng trưởng mới, như: Xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đó là động lực tăng trưởng mới đang rất tích cực, không chỉ khơi dậy nguồn lực trong nước mà chúng ta đang chờ đón các dòng đầu tư nước ngoài, các nguồn lực tài chính xanh từ bên ngoài vào quá trình chuyển đổi này.

Một cơ hội mới nữa mà chúng ta phải thấy rằng đây có thể là dấu mốc để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam, là cơ hội ngàn năm có một. Nếu không chớp được thì có thể chúng ta sẽ tiếp tục rơi vào chuỗi phát triển các mô hình kinh tế thấp. Đó là xu hướng chuyển dịch các dòng đầu tư của những ngành công nghệ cao, điển hình như Mỹ sẽ chuyển dịch những ngành đầu tư công nghệ cao có giới hạn cho những quốc gia bạn bè, cho những quốc gia được tin cậy.

Việt Nam là một trong những quốc gia đang đón nhận dòng đầu tư từ Mỹ của ngành công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn hoặc trí tuệ nhân tạo. Nếu chúng ta chớp được cơ hội của dòng dịch chuyển này trong năm 2024 thì sẽ là một cơ hội để chúng ta chuyển đổi, thay đổi mô hình tăng trưởng, từ một nền kinh tế phụ thuộc vào những hoạt động đầu tư gia công, lao động có giá trị thấp sang một mô hình tăng trưởng mới là những ngành dựa vào khoa học công nghệ, những sản phẩm mới như chip hay trí tuệ nhân tạo. Đó là những ngành tạo giá trị gia tăng rất cao, đòi hỏi chúng ta phải sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao chứ không thâm dụng lao động như ngành dệt may, gia công, lắp ráp. Đó là điều kiện để chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra năng suất lao động cao vượt trội và là bước ngoặt, là một yếu tố then chốt để chuyển từ một nền kinh tế có năng suất lao động thấp sang năng suất lao động cao, từ một nước có thu nhập ở mức trung bình sẽ bứt phá vươn lên thành nước có thu nhập cao./.

THÙY ANH (ghi)

Cùng chuyên mục
  • Trọng trách bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ!
    9 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - kỳ vọng, trong bối cảnh hiện nay, Kiểm toán nhà nước (KTNN) không chỉ dừng lại ở kiểm toán con số mà phải vươn lên hơn nữa vì trọng trách bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ.
  • Dấu ấn kiểm toán nhà nước trong các quyết sách từ nghị trường
    9 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kết quả các cuộc kiểm toán liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã góp phần rất quan trọng trong quá trình thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; là căn cứ xác đáng, giá trị để Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều nghị quyết, quyết sách quan trọng của Quốc hội trong năm 2023 có dấu ấn không nhỏ của KTNN.
  • Giáp Thìn 2024 và cơ hội hóa rồng
    9 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Năm Giáp Thìn 2024 là năm mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam cất cánh và hóa rồng. Những cơ hội đó có thể được phân thành hai nhóm chính là cơ hội bên ngoài và cơ hội bên trong.
  • Giảm ô nhiễm không khí phải là ưu tiên số 1 của Hà Nội!
    10 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong những ngày gần đây, chúng ta - tất cả những người dân Hà Nội đang phải hít thở thứ không khí bị ô nhiễm hết sức nặng nề. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là một vấn đề dai dẳng và nghiêm trọng. Thành phố thường xuyên bị xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.
  • Đánh thuế cao hơn với người có nhiều nhà đất
    10 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong phiên thảo luận Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại cuộc họp bất thường của Quốc hội ngày 15/01/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, cơ quan xây dựng dự thảo Luật đề xuất các phương án áp mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang… theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Năm 2024: Việt Nam có cơ hội thay đổi mô hình tăng trưởng