Tạo cơ hội để kinh tế tập thể, hợp tác xã khẳng định vai trò nòng cốt, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế

Là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) đã nỗ lực vượt khó, từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh và có đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi của nền kinh tế. Cũng trong năm qua, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT được ban hành, đặt ra yêu cầu phát triển KTTT trong giai đoạn mới. Nhân dịp Xuân mới, Báo Kiểm toán đã có trao đổi với Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo.

dsc_9627.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện một HTX, nhân Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: N.LỘC

Năm 2022, dưới tác động xấu của đại dịch Covid-19, lĩnh vực KTTT vẫn khẳng định những dấu ấn quan trọng đối với nền kinh tế và với xã hội. Xin ông cho biết rõ hơn về những dấu ấn này?

Năm qua, tuy còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, KTTT, HTX từng bước phục hồi và phát triển, đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, số lượng HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác thành lập mới tăng, vượt chỉ tiêu đề ra, cụ thể: Thành lập mới 2.187 HTX; nâng tổng số HTX lên 29.021 HTX, tăng 9,35% so với năm 2021; thu hút 6,93 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so với năm 2021) và 2,58 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so với năm 2021); tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/HTX; tổng giá trị tài sản đạt 187,25 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/HTX, tăng 6,2% so với năm 2021; Thành lập mới 17 liên hiệp HTX; thu hút 750 thành viên (bình quân 6 HTX/ liên hiệp HTX), tạo việc làm cho 39.750 lao động; doanh thu bình quân của 01 liên hiệp HTX là 258 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 8,9 tỷ đồng/năm…

Nhìn lại bức tranh về phát triển KTTT, HTX vừa qua, có thể thấy rõ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các mô hình KTTT trên địa bàn cả nước phục hồi dần vào cuối quý II, phát triển ổn định trong quý III và IV; hầu hết hoạt động ổn định trở lại, phát triển và có doanh thu, lợi nhuận khá. Điều đó cho thấy mô hình KTTT phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, phục vụ sản xuất kinh doanh bền vững và thực hiện hiệu quả chương trình hành động phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều mô hình HTX phục hồi nhờ mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất; nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát triển mở rộng gắn với quy hoạch vùng sản xuất; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ thành viên; đẩy mạnh liên kết giữa các thành viên và các HTX, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.

Đặc biệt, một trong những dấu ấn nổi bật có tác động rất quan trọng đến sự phát triển của KTTT, đó là ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW).

Nghị quyết nêu rõ: KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển KTTT là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời đề ra mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Đi cùng với đó, để đảm bảo thực hiện được mục tiêu, Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển KTTT.

Dự báo năm 2023, các hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có lĩnh vực KTTT, HTX. Xin ông cho biết một số định hướng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX trong năm tới?

Dự báo năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022; lạm phát duy trì ở mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia, làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực; đứt gãy nhiều chuỗi giá trị; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ mất ổn định xã hội và chính trị ở một số nước,...

Xuất phát từ thực tiễn tình hình đất nước, trên cơ sở kết hợp dự báo tình hình thế giới, mục tiêu trong năm 2023 được Liên minh HTX Việt Nam xác định tiếp tục phát triển KTTT, HTX năng động, hiệu quả, bền vững, tăng về số lượng, quy mô, chất lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình ở địa bàn nông thôn và thành thi tham gia HTX, tổ hợp tác; nâng cao thu nhập và đời sống của các thành viên; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường.

Về các chỉ tiêu cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam phấn đấu trong 2023 sẽ thành lập mới: ít nhất 3.000 tổ hợp tác; 2000 HTX, 15 liên hiệp HTX; 60% tổng số HTX hoạt động có hiệu quả; trên 70% tổng số cán bộ quản lý HTX được đào tạo theo các chương trình, tăng 10% so với năm 2022; tổng số thành viên của HTX tăng từ 5% trở lên so với năm 2022; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng 10% trở lên so với năm 2022, đạt trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng. Phấn đấu các tỉnh, thành phố có Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với vốn điều lệ trên 20 tỷ đồng. Mỗi liên minh HTX cấp tỉnh xây dựng 2-5 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương.

Liên minh HTX Việt Nam sẽ có những giải pháp gì nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2023, cũng như theo đúng định hướng Nghị quyết số 20-NQ/TW, thưa ông?

Để làm được như vậy, Liên minh HTX Việt Nam xây dựng nhóm giải pháp đồng bộ, bao gồm:

cong-ty.jpg
Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt ra những yêu cầu mới để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. 
Ảnh: Báo Chính phủ

Thứ nhất, thực hiện các giải pháp phù hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW để đạt được mục tiêu phát triển KTTT, HTX nhanh, hiệu quả và bền vững; quan tâm phát triển cả HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Thứ hai, mở rộng, đa dạng hóa thành viên, đẩy mạnh thu hút hộ cá thể tham gia HTX, tổ hợp tác; phát triển số lượng, qui mô, chất lượng và hiệu quả; HTX, liên hiệp HTX, THT nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nghề cho người lao động và thành viên gắn với sản phẩm của HTX.

Thứ ba, các HTX, liên hiệp HTX nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động theo quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ lợi ích của thành; đào tạo nghề cho thành viên và người lao động gắn với các sản phẩm của HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác; đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và nâng cao sức cạnh tranh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Thứ tư, tăng cường năng lực quản trị HTX; nâng cao trình độ năng lực quản lý, kinh tế, thương mại, công nghệ cho thành viên. Tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả để nhân rộng; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên.

Thứ năm, chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường.

Thứ sáu, đẩy mạnh tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của HTX; khuyến khích liên kết kinh tế giữa HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực; tăng cường liên kết giữa HTX, liên hiệp HTX với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Tạo cơ hội để kinh tế tập thể, hợp tác xã khẳng định vai trò nòng cốt, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế