Diễn đàn Bộ trưởng Kinh tế gần đây được tổ chức tại nước Cộng hòa Vanuatu đã cho thấy lập trường vững vàng để thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế đồng thời hỗ trợ “Chiến lược 2050 vì Lục địa Thái Bình Dương xanh”. Chiến lược 2050 xác nhận các lĩnh vực chủ đề từ đi đầu trong biến đổi khí hậu đến kết nối thông qua công nghệ.
Đại dịch đã bộc lộ những yếu điểm của các nền kinh tế dễ bị tổn thương ở khu vực Thái Bình Dương. Các Bộ trưởng Kinh tế của Diễn đàn đã kêu gọi đẩy mạnh cải cách hệ thống quản lý tài chính công (PFM) để “tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và năng lực tài chính, ứng phó nhanh với các rủi ro”. Điều này cho thấy trách nhiệm giải trình của các chính phủ cần được tăng cường hơn nữa. Trong bối cảnh này, yếu tố ngày càng quan trọng là các kiểm toán viên nói chung và kiểm toán viên nhà nước nói riêng cần hợp tác với Cơ quan lập pháp để yêu cầu các chính phủ hành pháp giải trình và cải thiện PFM.
Trước đại dịch Covid-19, khoảng 80% báo cáo tài chính các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương đã được kiểm toán đúng hạn. Kể từ khi đại dịch bùng phát, một số quốc gia đã không ưu tiên báo cáo tài chính và sự chậm trễ này tiếp tục là một trở ngại đáng kể đối với sự phục hồi kinh tế. Các chính phủ có nghĩa vụ công khai cách thức quản lý ngân sách nhà nước và cần phải ưu tiên việc lập báo cáo tài chính. Điều này giúp xây dựng niềm tin của người dân vào chính phủ và khu vực công.
Điều quan trọng đối với các văn phòng kiểm toán của chính phủ là không chỉ xây dựng và đệ trình các Báo cáo kiểm toán cho cơ quan lập pháp mà còn phải công bố ra công chúng. Điều này quan trọng bởi vì công chúng có quyền biết và chất vấn việc ngân sách nhà nước được chi tiêu như thế nào.
Để đảm bảo tính khách quan, các cơ quan kiểm toán chính phủ phải có sự độc lập về chức năng và tổ chức với các cơ quan hành pháp, là các tổ chức công mà họ kiểm toán. Điều này quan trọng vì nếu không có sự độc lập, các cơ quan giám sát này sẽ không thể xem xét và đánh giá chi tiêu của chính phủ một cách hiệu quả. Họ phải có thẩm quyền kiểm toán và báo cáo về chi tiêu công một cách khách quan và không sợ bị áp lực.
Như vậy có thể thấy rằng, báo cáo tài chính kịp thời, có kết nối với công dân, kiểm toán độc lập và sự giám sát của Cơ quan lập pháp đều góp phần thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các chính phủ./.