Quy hoạch tỉnh Long An để tỉnh có những bước phát triển đột phá. Ảnh minh họa: moc.gov.vn |
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại phiên họp của Hội đồng thẩm định vừa qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, công tác lập quy hoạch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng, định vị lại để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, ngành trên phạm vi cả nước.
Công tác lập quy hoạch của các tỉnh đang được thực hiện trên phạm vi cả nước với quy mô lớn, trong cùng một thời điểm để thực hiện việc triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; cơ cấu lại các ngành kinh tế. |
Đồng thời, đánh giá phương pháp lập quy hoạch; xác định vai trò, vị thế của tỉnh trong vùng; tầm nhìn phát triển của tỉnh trong kỳ quy hoạch; định hướng phát triển từng ngành, từng địa phương; định hướng phân bổ nguồn lực, phân bổ các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Long An.
Các ý kiến cũng tập trung vào vấn đề làm sao để khai thác hiệu quả tài nguyên, lợi thế của tỉnh, nhất là lợi thế về nhân lực và vị trí kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ.
Theo Bí thư tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, thời gian qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội; môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp. Diện mạo của tỉnh từ thành thị, đến nông thôn có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhanh nhưng chưa bền vững; sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thương hiệu mạnh, giá trị gia tăng cao còn hạn chế; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Số dự án đã tiếp nhận chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ trung bình là phổ biến; các khu đô thị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; hoạt động du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng còn hạn chế; lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...
Những tồn tại, hạn chế này đã được tỉnh Long An xác định và vạch ra những giải pháp khắc phục, trong đó, giải pháp đầu tiên là khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thật chất lượng, làm định hướng phát triển của tỉnh trong 10 năm, tầm nhìn 30 năm tới; góp phần thực hiện thành công mục tiêu duy trì vị thế tỉnh dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cấu trúc không gian tỉnh Long An được xác định bao gồm: 02 hành lang - 01 trung tâm - 01 vùng - 06 trục động lực, phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hóa - chính trị, tạo dựng các trung tâm, hình thành các vùng chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình với các ý kiến đánh giá Quy hoạch tỉnh Long An được lập nghiêm túc, đạt chất lượng cao; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng, phương hướng phát triển, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhận diện được cơ hội, cũng như những điểm hạn chế, thách thức và đề ra phương hướng, không gian phát triển…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Long An tiếp tục tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh đạt chất lượng cao nhất để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền thông qua./.
QUỲNH ANH