SAO đã soát xét việc Bộ Nông nghiệp (MoA) và Quỹ Hỗ trợ nông nghiệp nhà nước (SAIF) sử dụng các nguồn quỹ của nhà nước và Liên minh châu Âu (EU) chi cho chế biến các sản phẩm nông nghiệp từ năm 2018 đến 2021.
SAO nhận thấy mặc dù hỗ trợ tài chính chủ yếu hướng đến các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo cả chiến lược của MoA và chương trình trợ cấp của EU nhưng Bộ đã không xây dựng chương trình trợ cấp quốc gia cho các DN này trong những năm được kiểm toán. Trong khi đó, Bộ lại triển khai một chương trình nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các công ty chế biến lớn. Từ 2018 đến 2021, MoA đã chi 1,7 tỷ EUR cho các công ty lớn này.
MoA đã không theo dõi cũng như đánh giá tính kinh tế, hiệu lực của các khoản trợ cấp quốc gia. Đối với các quỹ của EU, MoA đã không xác minh liệu các dự án được hỗ trợ có mang đến những cải tiến như dự kiến hay chỉ là thay thế thiết bị và công nghệ. Đối với các khoản trợ cấp quốc gia, báo cáo cho biết MoA và SAIF không yêu cầu bên thụ hưởng xác định các mục tiêu cụ thể. Do đó, mục tiêu của họ rất chung chung, mơ hồ và không thể đo lường được; không rõ chất lượng sản phẩm có được cải thiện không và khả năng cạnh tranh của các DN Séc trên thị trường châu Âu có tăng lên không. MoA không đặt ra các điều kiện ràng buộc cho việc lựa chọn nhà cung cấp cũng như giới hạn chi tiêu cho việc mua sắm tài sản, dịch vụ. Do đó, những người thụ hưởng không chi tiêu tiết kiệm.
Theo quy định của Ủy ban châu Âu, viện trợ quốc gia phải có tác dụng thúc đẩy tuy nhiên, MoA và SAIF không có đủ bằng chứng để đánh giá hiệu quả của các khoản tài trợ. Họ cấp trợ cấp mà không yêu cầu người nộp đơn chứng minh những lợi ích các khoản đầu tư có thể mang lại. Đối với những đối tượng nhận được trợ cấp, SAO phát hiện hàng trăm triệu krona Séc đã được chi hàng năm cho việc cải tạo và hiện đại hóa các thiết bị kỹ thuật tại trụ sở của họ. Theo SAO, việc sử dụng liên tiếp các khoản trợ cấp quốc gia từ ngân sách của MoA sẽ tạo ra nhiều rủi ro đáng lo ngại./.