Chiều 10/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì Diễn đàn.
Theo Bộ NNPTNT, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo sản xuất, phát triển của ngành.
Đơn cử, trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận nhiều loại cây trồng đạt khá cao. Nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, việc tạo ra giống lúa mới đã trở nên hiệu quả hơn.
Ngày nay, các nhà khoa học chỉ cần 30 - 50 tổ hợp lai để chọn tạo ra một giống lúa mới, so với khoảng 100 tổ hợp lai như trước đây. Điều này giúp rút ngắn thời gian chọn giống xuống còn khoảng 5 năm, giảm đáng kể thời gian và công lao động, đồng thời đáp ứng được hầu hết các yêu cầu quan trọng đối với giống lúa như năng suất cao, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng rộng. Điển hình là cây cà phê, Việt Nam đã có những đột phá về năng suất, cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê trên thế giới.
Trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, đã công nhận 42 giống vật nuôi mới, 23 tiến bộ kỹ thuật và 19 giải pháp sáng chế trong lĩnh vực này. Hiện nay, có 54 giống vật nuôi năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất, bao gồm 11 giống mới, 12 giống ngoại nhập và 31 giống lai tạo.
Trong lĩnh vực thủy sản, hàng loạt giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá chim vây vàng, cá nhụ, cá chiên, cá lăng, chạch chấu, hải sâm, ốc hương và các giống cá nước lạnh đã được sinh sản nhân tạo thành công và làm chủ công nghệ nuôi. Giai đoạn 2016 - 2023, ngành thủy sản có 22 giống mới, 28 tiến bộ kỹ thuật, 13 sáng chế và 14 quy trình, giải pháp hữu ích đã được công nhận.
Để có những kết quả đó, theo Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy, hợp tác giữa các bên trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. “Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ (KHCN) vào thực tiễn sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân luôn là mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua” – bà Thủy cho biết.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi, thảo luận về những bài học kinh nghiệm, giải pháp để các bên doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu… đi đến hợp tác bền chặt, cùng nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm KHCN và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất, mang lại lợi nhuận cho nông dân, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải và phát triển bền vững…
GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu cần phải tăng cường hợp tác ngay từ sớm, chủ động để mang lại giá trị cao hơn; có cơ chế trong việc chuyển giao thành tựu KHCN đến doanh nghiệp và ứng dụng vào sản xuất…
Trong khuôn khổ của Tọa đàm đã diễn ra lễ ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học giữa các đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp...
Chuỗi sự kiện là cầu nối để hình thành và phát triển và lan toả nhiều ý tưởng, dự án hợp tác nghiên cứu chuyển giao, thu hút được mọi nguồn lực xã hội để đồng hành với ngành nông nghiệp và bà con nông dân, mang những công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra triển lãm thành tựu KHCN.
Nhiều thành tựu KHCN mới được giới thiệu tại không gian trưng bày của Diễn đàn, như giống cây trồng, vật nuôi mới, quy trình công nghệ, 82 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… có thể chuyển giao ngay cho doanh nghiệp và người dân.