Tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần sự đồng hành của Nhà nước và doanh nghiệp

(BKTO) - Mặc dù công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật (NKT) đã có những điểm sáng song số lượng NKT được học nghề và có việc làm vẫn còn hạn chế. Để hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm, giúp NKT có cuộc sống ổn định hơn, rất cần sự đồng hành, sẻ chia của Nhà nước và cả doanh nghiệp.

nkt.jpg
Tạo việc làm cho NKT đòi hỏi sự đồng hành của Nhà nước và doanh nghiệp. Ảnh minh họa. 

Xin việc không dễ

Đây là chia sẻ của không ít lao động là NKT khi đề cập đến vấn đề tìm việc làm để tái hòa nhập cộng đồng. “Trước khi chưa có dịch Covid-19, với những lao động như tôi, tìm được công việc phù hợp không hề dễ thì nay, để tìm việc càng khó hơn. Tôi chỉ mong có thể tìm kiếm được cơ hội mà ở đó, doanh nghiệp nhận đào tạo sau đó tạo việc làm bởi thực tế, ngoài nghề may, tôi không có nhiều kinh nghiệm”, anh Nguyễn Văn Khả - lao động khuyết tật đến từ Thái Bình chia sẻ.

Cũng theo anh Khả, sở dĩ anh phải lên Hà Nội sinh sống vì người như anh rất khó có thể có việc làm tại quê nhà. Trước đây, anh vốn là công nhân may nhưng từ đầu năm 2023, Công ty bị giảm đơn hàng, anh nằm trong số lao động phải nghỉ việc.

Tương tự, anh Nguyễn Thế Sơn - lao động bị khuyết tật vận động tay - cho biết, tìm kiếm công việc phù hợp với NKT không hề dễ dàng. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh không dám đòi hỏi về quyền lợi khi đi làm. Song dù vậy, công việc của anh đều rất bấp bênh, thu nhập không ổn định vì rào cản là NKT.

Tại Chương trình chào mừng Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) do Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành, đơn vị tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, hằng năm, khoảng 19.000 NKT được dạy nghề, tạo việc làm. Các đơn vị cũng đã giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt NKT với tỷ lệ thành công đạt trên 50%, khoảng 40.000 NKT được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm.

Đánh giá về việc triển khai chính sách hỗ trợ NKT tìm việc làm, ông Tô Đức - Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, 87,27% NKT sống ở nông thôn, tỷ lệ NKT sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỷ lệ nghèo trung bình của toàn quốc.

Theo ông Tô Đức, mặc dù dạy nghề và giới thiệu việc cho NKT có những điểm sáng song công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, số lượng NKT được học nghề và có việc làm vẫn còn hạn chế, thiếu chương trình, đội ngũ giáo viên dạy nghề.

Cùng với đó, trình độ học vấn của nhiều NKT còn thấp, cộng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân NKT và gia đình khiến cơ hội tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp của NKT còn hạn chế.

Thêm nữa, nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư… đối với vấn đề tạo cơ hội việc làm cho NKT còn hạn chế. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc chưa thực sự hiệu quả trong khi nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng NKT…

Nhà nước, doanh nghiệp và người khuyết tật phải cùng vào cuộc

Để NKT được bình đẳng, theo ông Trịnh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội, việc làm là chìa khóa quyết định bởi khi có việc làm, NKT sẽ có cuộc sống ổn định, được bình đẳng với lao động khác. Do vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các công ty, doanh nghiệp các cơ sở kinh doanh khi có nhu cầu tuyển lao động là NKT, nên tạo cho NKT có một môi trường, bầu không khí thân thiện và có đường dốc hay khu vệ sinh tiếp cận để NKT được thuận tiện khi đến làm việc.

Ông Lê Viết Tụng - Chủ tịch Hiệp hội NKT huyện Mê Linh, TP. Hà Nội - đề xuất: Cần có các chương trình tạo việc làm chủ động cho NKT, qua đó hỗ trợ đầy đủ điều kiện cần để họ có thể hòa nhập, làm việc. Theo đó, cần xây dựng danh mục nghề nghiệp với những công việc phù hợp cho lao động khuyết tật chứ không phải là áp các công việc có sẵn cho NKT.

Bản thân là NKT, ông Lê Văn Thìn - Phó Giám đốc Công ty TNHH giải pháp truyền thông T&T Việt Nam - cho rằng, với NKT, tìm việc làm chính là khó khăn nhưng khó khăn này không chỉ đến ở doanh nghiệp mà ngay cả chính NKT còn tâm lý tự ti khi đăng ký học nghề, xin việc.

“Hiện Công ty chúng tôi vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm 5 nhân viên kinh doanh, trình độ chỉ cần 12/12 trở lên, có khả năng giao tiếp tốt để làm quảng bá, giao tiếp khách hàng với mức lương khởi điểm là 3,5 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian, nếu người lao động thích ứng với công việc, ngoài mức lương, họ sẽ có thêm tiền thưởng, phụ cấp” - ông Thìn cho biết, đồng thời chia sẻ thêm: “Hiện Công ty có 16 người đều là NKT. Bản thân là NKT nên tôi cũng rất mong muốn tạo việc làm cho người cùng hoàn cảnh vươn lên” - ông Lê Văn Thìn chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, giải quyết việc làm cho NKT không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. NKT cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”./.

Cùng chuyên mục
Tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần sự đồng hành của Nhà nước và doanh nghiệp