Bức tranh CPI, lạm phát nửa đầu năm 2016
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6/2016 đã tăng 0,46% so với tháng 5/2016, tăng 2,35% so với tháng 12/2015 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015. CPI bình quân 6 tháng đầu năm đã tăng 1,72%, cao hơn so với mức tăng bình quân cùng kỳ năm trước (0,86%). Lạm phát cơ bản tháng 6/2016 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% của Quốc hội sẽ gặp nhiều khó khăn do những biến động CPI bất thường.Ảnh: TS
Phân tích của nhiều chuyên gia tại Hội thảo: “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016” mới đây cho thấy mức tăng CPI trong nửa đầu năm nay chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục), tiền lương tối thiểu vùng và lương cơ sở. Cùng với đó, các nhóm yếu tố thị trường như: xu hướng phục hồi trở lại của giá xăng dầu, tăng thuế nhập khẩu với các mặt hàng phôi thép, thép dài… cũng tác động tới chỉ số CPI, lạm phát. Mặt khác, nhu cầu về vốn cho nền kinh tế ngày càng cao gây áp lực tăng lãi suất, dẫn đến tăng giá tiêu dùng. Thêm nữa, thời tiết bất lợi cho sản xuất nông nghiệp như rét hại, rét đậm vào đầu năm ở miền Bắc, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là nguyên nhân khiến giá cả một số mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm tăng. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác khiến lạm phát tăng cao được PGS.TS Ngô Trí Long chỉ ra là do bội chi ngân sách triền miên và chưa có dấu hiệu giảm (bội chi ngân sách 6 tháng đầu năm theo báo cáo của Bộ Tài chính đã là 85,6 nghìn tỷ đồng).
Áp lực kiểm soát lạm phát
Với mức độ tăng tốc của CPI trong nửa đầu năm nay, TS. Lê Quốc Phượng- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) dự báo nếu so với tháng 12/2015, CPI 6 tháng cuối năm 2016 sẽ tăng khoảng 2,7-3% và cả năm sẽ là 5-5,5%. “Giá hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, trong đó dầu thô có thể đạt 60 USD/thùng; giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình; tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến ở mức 18-20% và tiếp tục đổ vào những lĩnh vực có tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản. Điều này sẽ tạo áp lực lên giá cả, lạm phát” - TS. Lê Quốc Phương nhận định.
Ngoài các áp lực trên, theo PGS.TS Ngô Trí Long, mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ chịu những tác động mạnh bởi nhiều yếu tố như: biến đổi khí hậu, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước, biến động của tổng cầu, tỷ giá và lãi suất có xu hướng tăng, các chi phí “bôi trơn” khá phổ biến…Tất cả sẽ gây áp lực lên CPI và không loại trừ lạm phát năm 2016 sẽ vượt mức mà Quốc hội, Chính phủ đề ra. Chuyên gia này cũng dự báo mức lạm phát năm nay sẽ vào khoảng 4,8-5,2%.
Những phân tích trên cho thấy 6 tháng cuối năm, công tác quản lý, điều hành giá sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Bởi vậy, để điều hành phù hợp với diễn biến thị trường và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% như Quốc hội đã đề ra, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị: các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo sát diễn biến cung, cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích dự báo thông tin thị trường; phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, thuế, phí. Đặc biệt, Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiếu yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.