Thái Nguyên thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

(BKTO) - Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh.

image00520230408205850.jpg
Một số chương trình mục tiêu quốc gia đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Ảnh: TS

Đạt những kết quả đáng ghi nhận

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong giai đoạn 2021- 2023, tỉnh Thái Nguyên đã phân bổ 117.325 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 108.779 triệu đồng và nguồn vốn địa phương là 8.546 triệu đồng. Nguồn vốn này đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong quá trình thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo.

Để giảm nghèo bền vững, hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện lồng ghép các hoạt động về Chương trình giảm nghèo của địa phương với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

Việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Thái Nguyên đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó hộ nghèo là 3.365 hộ và hộ cận nghèo là 1.346 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.

Nhằm hỗ trợ công tác giảm nghèo, tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững.

giamngheo_20230405161314.jpg
Dự án góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững chú trọng các mô hình phát triển nông nghiệp. Ảnh: TS

Tích cực phối hợp với các sở, ngành địa phương

Để có được kết quả này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên (cơ quan thường trực thực hiện Chương trình) đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan trong tỉnh chủ trì Dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Dự án cải thiện dinh dưỡng… Đồng thời, phân bổ nguồn vốn theo cơ chế bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; ưu tiên bố trí vốn cho địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các địa bàn trong toàn tỉnh. Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ nguồn vốn của Chương trình.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã chú trọng tới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về tầm quan trọng của Chương trình MTQG. Cùng với đó, tỉnh cũng huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo động lực và sức bật cho phát triển kinh tế vùng khó.

Quá trình tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án, chính sách của Chương trình. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện chương trình. Thực hiện cơ chế đặt hàng xây dựng, hình thành, nhân rộng và phát triển dự án mô hình giảm nghèo nông nghiệp, phi nông nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo. Khuyến khích thực hiện hỗ trợ dự án theo hình thức tổ nhóm do người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện tham gia, có đối ứng dự án (tiền, hiện vật, ngày công ...). Có cơ chế thu hồi, luân chuyển một phần kinh phí của Nhà nước để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo./.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đặt ra mục tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều. Tỉnh sẽ tích cực kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Cùng chuyên mục
Thái Nguyên thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững