Thấy gì qua Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016?

(BKTO) - Chiều 21/5, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã báo cáo trước Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016. Những thông tin, số liệu từ Báo cáo cho thấy, công tác quản lý, sử dụng ngân sách còn nhiều bất cập, trong đó có những bất cập tái diễn, kéo dài cần sớm được khắc phục triệt để.



Kiến nghị xử lý tài chínhtăng cao

Năm 2016, qua kiểm toán đối với niên độ ngân sách năm 2015, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản. Số kiến nghị xử lý tài chính này được đánh giá là cao nhất trong 22 năm hoạt động của KTNN. Thế nhưng, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 còn gây ấn tượng hơn, với số kiến nghị xử lý tài chính tăng khá cao so với năm 2016.

Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 đối với niên độ 2016, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 91.322 tỷ đồng, gồm các khoản tăng thu NSNN 19.109 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.447 tỷ đồng, tăng giá trị DN, giá trị vốn nhà nước tại các DN trước khi cổ phần hóa 9.639 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 44.127 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 159 văn bản nhằm bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016.Ảnh: TTXVN
Những kiến nghị trên của KTNN được đưa ra trên cơ sở kết quả kiểm toán, đánh giá toàn diện chính sách tài khóa năm 2016 từ công tác lập, giao dự toán thu, chi ngân sách; việc chấp hành thu, chi ngân sách; đầu tư công; quản lý nợ công... Trong đó, nhiều hạn chế, bất cập đã được KTNN thẳng thắn nêu lên.

Trong công tác thu NSNN, báo cáo của KTNN nêu rõ, năm 2016, mặc dù thu vượt dự toán 92.881 tỷ đồng nhưng tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất 49.619 tỷ đồng và lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại DN 19.346 tỷ đồng; vượt thu chỉ còn 23.916 tỷ đồng. Trong khi đó, một số Bộ, ngành, địa phương lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định; dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; chưa đảm bảo mức phấn đấu tăng thu bình quân tối thiểu 15% theo quy định; dự toán hoàn Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) chưa sát với số thuế phải hoàn trong năm...

Đáng chú ý, tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu Thuế GTGT, Thuế Thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến. KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỷ đồng. Đặc biệt, qua thực hiện phương pháp đối chiếu thuế các DN ngoài quốc doanh, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỷ đồng và kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng tại 2.344 DN được đối chiếu.

Về công tác thu thuế, thuế có khả năng thu do ngành thuế quản lý giảm 9,8%, song nợ thuế do ngành thuế và hải quan quản lý đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nợ thuế khó thu do ngành thuế quản lý tăng 34% (54/63 các địa phương có mức dư nợ thuế khó thu tăng), nợ thuế chờ xử lý tăng 60,7%...

Đối với công tác chi NSNN, nhiều hạn chế, sai sót đã được KTNN phát hiện, kiến nghị vẫn tái diễn như: lập và giao dự toán chậm; phân bổ kế hoạch vốn chưa sát thực tế dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp; bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, không tuân thủ thứ tự ưu tiên, không phân bổ hết ngay từ đầu năm… Các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư vẫn xảy ra tại không ít các dự án được kiểm toán; nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót. Qua kiểm toán 1.497 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng.

KTNN cũng nêu thực trạng một số Bộ, ngành và địa phương còn để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản 14.614 tỷ đồng; việc cơ cấu lại chi NSNN gắn với đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ còn chậm. Đáng chú ý, một số sai phạm “nhãn tiền” vẫn xảy ra tại không ít đơn vị như: việc chấp hành quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức tại một số đơn vị được kiểm toán còn thiếu chặt chẽ; một số Bộ, ngành, địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng; chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 121 tỷ đồng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác sai quy định 805 tỷ đồng... KTNN đã kiến nghị thu hồi, nộp NSNN, giảm thanh toán, dự toán năm sau 882 tỷ đồng.
Một con số cũng rất đáng lưu ý trong quyết toán NSNN năm 2016, đó là chi chuyển nguồn năm 2016 sang năm 2017 là hơn 279,3 nghìn tỷ đồng, bằng 17,75% tổng chi cân đối NSNN, tăng 18,1% so với năm 2015, cao nhất trong 3 năm gần nhất.

Giải đáp những bức xúctừ thực tiễn

Bên cạnh những hạn chế, sai sót trong thu, chi NSNN, những đánh giá của KTNN về cơ chế, chính sách và hiệu quả của một số chương trình, dự án đã phần nào giải đáp những băn khoăn, bức xúc trong dư luận xã hội bấy lâu nay.

Đó là khoảng trống do chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 dẫn đến bất cập, vướng mắc khi thực hiện hồi tố thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 01/7/2011 đến ngày 31/12/2013 trên 2.835 tỷ đồng, hiện chưa có phương án giải quyết, đang phải dừng nộp tạm thời.

Công tác quản lý và thu tiền sử dụng đất đô thị còn nhiều bất cập từ việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch của các dự án; phương pháp xác định giá đất còn nhiều hạn chế, không rõ ràng, vướng mắc trong quá trình thực hiện và là kẽ hở gây thất thoát NSNN. Qua kết quả kiểm toán, đối chiếu 329 dự án, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 3.856 tỷ đồng.

Trong công tác quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016, một số Bộ, ngành, địa phương giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người (vượt được giao 44.667 người, vượt định mức 18.612 người). Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi NSNN 859 tỷ đồng.

KTNN cũng chỉ rõ, việc thực hiện dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo lỗ hổng để thất thoát ngân sách và tài sản công. 40 dự án đầu tư theo hình thức BOT được KTNN “sờ” đến đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 120 năm so với phương án tài chính ban đầu, giảm giá trị đầu tư 1.467 tỷ đồng.

Qua kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa, KTNN đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 9.639 tỷ đồng, trong đó kiểm toán toàn diện 7 DN xác định tăng 9.140 tỷ đồng và rà soát báo cáo của 7 DN tăng 499 tỷ đồng.

N. HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 24-5-2018
Cùng chuyên mục
Thấy gì qua Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016?