Không có sự biến động về nhân sự
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổng hợp báo cáo từ tổ chức công đoàn các địa phương cho thấy, đến ngày 30/01 (tức mùng 9 Âm lịch), cả nước có hơn 95% NLĐ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) diễn ra bình thường trở lại.
Như vậy, tỷ lệ NLĐ trở lại DN làm việc sau Tết tăng khá nhanh, khi ngày 27/01 trước đó, cả nước mới có khoảng 50% DN mở cửa hoạt động lại, với tỷ lệ làm việc chỉ đạt 50% (thậm chí có địa phương tỷ lệ NLĐ trở lại làm việc chỉ đạt 20%).
Tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, tình hình công nhân lao động trên địa bàn Thủ đô đã trở lại ổn định. Tính đến trưa 30/01, số đoàn viên, công nhân lao động đã trở lại làm việc là 161.658 người, chiếm 98% tổng số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Thành phố, tính đến ngày 27/01 (mùng 6 Âm lịch), đã có hơn 42% DN trên địa bàn hoạt động trở lại, hơn 50% DN sẽ hoạt động vào ngày 30/01 (mùng 9 Âm lịch). Nguyên nhân là do mùng 6 Âm lịch rơi vào ngày thứ Sáu nên một số DN tạo điều kiện cho NLĐ được nghỉ đến hết tuần và trở lại làm việc vào mùng 9 Âm lịch.
Với các DN trở lại làm việc trong ngày mùng 6 Âm lịch, tỷ lệ lao động đến làm chiếm 95%. Trong đó, lao động làm việc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và DN ngoài Nhà nước chiếm hơn 94%, DN nhà nước chiếm hơn 97%.
Năm 2023, may mặc được dự báo sẽ là ngành hàng gặp nhiều khó khăn về đơn hàng song với việc cam kết đảm bảo công việc ổn định cho NLĐ, lao động quay trở lại làm việc khá đông đủ, không có tình trạng nhảy việc. Dù hoạt động sản xuất sớm hơn (ngày 27/01) nhưng 5.000 công nhân của Công ty Dệt may Huế đã có mặt đông đủ để bắt đầu ca làm việc sản xuất cho đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Tương tự tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt, ở Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, Quảng Ninh, gần 3.000 công nhân đã có mặt đầy đủ trong ngày làm việc đầu tiên (ngày 30/01).
Theo lãnh đạo Công ty Hoa Lợi Đạt, lượng đơn hàng trước Tết cho cả năm mới đã đủ nên dự kiến ngày đầu tiên trở lại làm việc, toàn bộ công nhân của Công ty phải tăng tốc, sản xuất liên tục để kịp tiến độ giao hàng. Đáng lưu ý, 3 ngày đầu tiên đi làm sau Tết, NLĐ sẽ được thưởng 600.000 đồng. Đây là cách để công nhân quay trở lại làm việc đông đủ, đúng ngày.
Đánh giả của tổ chức công đoàn cũng cho thấy, hoạt động chăm lo tốt với thưởng Tết một tháng lương, bố trí các chuyến xe đưa và đón công nhân trở lại sau Tết, tổ chức các hoạt động Tết sum vầy, chợ công đoàn đã tạo được sự gắn bó giữa NLĐ với DN.
Tiếp tục hỗ trợ thị trường lao động
Nhận định về thị trường lao động, việc làm đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho rằng, với tình hình kinh tế - xã hội trong nước được duy trì ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN sẽ sớm ổn định trở lại, giúp thị trường việc làm và lao động phục hồi.
Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN sẽ tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm, với nhu cầu tuyển mới cao hơn số mất việc làm trong các DN cuối năm 2022.
Dù vậy, theo bà Hà, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ở một số ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như: Dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí... sẽ tiếp tục bị cắt giảm đơn hàng. Tình trạng này có thể kéo dài tới hết quý I/2023 và tiếp tục ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho NLĐ.
Số liệu công bố trước đó của Bộ LĐTBXH cho thấy, tới hết năm 2022, cả nước có 528 DN bị cắt giảm đơn hàng, tập trung ở các ngành nghề: Dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ... Tại các DN này, có hơn 637.000 NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 53.000 người bị mất việc, còn lại chủ yếu là giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng.
Trước thực tế trên, theo các chuyên gia, các ngành chức năng cần đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các DN, đặc biệt là các DN FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối NLĐ với người sử dụng lao động có nhu cầu.
Về lâu dài, cần xây dựng một lưới an sinh xã hội gắn liền với đảm bảo việc làm để chủ động tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và tạo ra một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại.
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Người lao động mất việc, giãn việc có thể tìm kiếm việc làm ở khu vực việc làm không chính thức, sau đó, khi thị trường lao động khởi sắc, DN phục hồi, họ có thể quay trở lại làm việc./.