Thiếu vốn, khó vay, hợp tác xã phải ngậm ngùi tìm đến “tín dụng đen”

(BKTO) - Việc tiếp cận vốn của các hợp tác xã (HTX) còn khó khăn do chủ yếu chưa đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay vốn, vì thế không có nhiều cơ hội cho mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh.

20240423-0d8a4534.jpg
Tại Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”, các đại biểu đã tập trung bàn giải pháp gỡ khó cho HTX trong tiếp cận nguồn vốn. Ảnh: Lê Huy

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ngày càng chú trọng phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, yêu cầu nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các HTX cần phải được các Bộ, ngành, địa phương và bản thân mỗi HTX quan tâm để có giải pháp thực hiện hiệu quả.

HTX phải vay tín dụng đen với lãi suất cao, nhiều rủi ro

Theo lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, những năm qua, HTX tuy có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, song chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. 

Trong đó, còn tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX còn khó khăn, khiến cho việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh bị hạn chế dẫn đến kém khả năng cạnh tranh... 

Thông tin tại Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể” do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 23/4, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, đây là vấn đề “rất nan giải”, tiềm ẩn nhiều hệ lụy khi HTX không thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn hợp pháp. Hiện các mô hình này chỉ vay được từ nguồn hỗ trợ từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ nhưng những nguồn này vẫn chưa đủ để giúp các tổ hợp tác mở rộng và phát triển. 

20240423-0d8a4460(1).jpg

Hiện chỉ có 10% HTX được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Qua khảo sát trên 300 HTX thì đến 80% HTX phải vay ở thị trường phi chính sách và hệ thống tín dụng đen với lãi suất cao, chủ yếu phục vụ cho đáo nợ, chờ vốn tín dụng

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân

Dẫn chứng từ lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do yêu cầu tài sản thế chấp; thủ tục tiếp cận còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến… 

Lý giải thêm về nguyên nhân khiến HTX khó tiếp cận vốn, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, Ngân hàng HTX được coi là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tín dụng HTX nhưng nguồn vốn của Ngân hàng HTX còn khá nhỏ, vốn điều lệ quá thấp (3.030 tỷ đồng), hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển, nhân lực hạn chế và chịu sự cạnh tranh lớn từ các ngân hàng thương mại. 

Hiện, Ngân hàng HTX không có sản phẩm riêng hay những điều kiện khác biệt dành cho đối tượng khách hàng là HTX khác và chỉ cho vay khi khách hàng đáp ứng đủ điều kiện của ngân hàng… Trong khi đó, các HTX thường không có tài sản bảo đảm giá trị để thế chấp, nếu có thì là tài sản của các thành viên HTX bảo lãnh cho HTX vay vốn song giá trị rất thấp. Chính vì vậy dư nợ cho vay HTX khác trên tổng dư nợ cho vay trên toàn hệ thống của Ngân hàng HTX rất khiêm tốn. 

Cần sự nỗ lực vào cuộc của các bên

Hiện khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng của kinh tế tập thể chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các HTX chưa đáp ứng các điều kiện vay. Do đó, các ý kiến cho rằng cần phải có các giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX kể cả cơ chế, chính sách, các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển HTX. 

Nêu giải pháp với vấn đề này, bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Nhà nước cần bố trí thích đáng ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện thuận lợi cho phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Đồng thời, cần nâng cao năng lực, nguồn lực Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và địa phương nhằm tạo điều kiện tối đa hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, liên minh HTX trong tiếp cận vốn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có chương trình, giải pháp hiệu quả trong đào tạo, nâng cao năng lực của số lượng lớn HTX trong việc tiếp cận vốn, tiếp cận tín dụng theo yêu cầu của kinh tế thị trường… từ các tổ chức tín dụng. 

Đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023. Trong đó tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 17,42%, Tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 52,96%; Tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 29,62%.

Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Từ góc độ quản lý tại địa phương, ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tỉnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cùng các Bộ, ngành có liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định cụ thể về hoạt động ngân hàng theo hướng tạo điều kiện mở rộng đầu tư tín dụng và tăng khả năng tiếp cận của khu vực kinh tế tập thể.

dsc_6148-1600x1200-.jpeg
Bản thân các HTX cần phải đổi mới, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu sản xuất, kinh doanh để có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ảnh: N.Lộc

Hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối vốn, tập trung tín dụng cho HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói chung, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cùng các các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị liên kết đổi mới sáng tạo phù hợp với quy định của pháp luật.

Chia sẻ với khó khăn của các HTX, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của HTX...

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay với HTX như: Khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, HTX tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng;…

Cùng với sự nỗ lực vào cuộc của Chính phủ, các tổ chức tín dụng, các ý kiến cho rằng, để tiếp cận được nguồn vốn, HTX cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức; có chính sách phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng như nợ tồn đọng kéo dài; rà soát, sắp xếp lại các HTX hoạt động không hiệu quả; cơ cấu lại, xử lý một số HTX tín dụng yếu kém.

Đồng thời, cần tăng cường liên kết giữa HTX với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả; nghiên cứu, xây dựng chính sách về thí điểm thành lập liên đoàn HTX nhằm phát huy vai trò của liên đoàn HTX trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

Cùng chuyên mục
Thiếu vốn, khó vay, hợp tác xã phải ngậm ngùi tìm đến “tín dụng đen”