Thông tư 03 sẽ gỡ vướng cho cả doanh nghiệp và ngân hàng

(BKTO) - Các quy định mới về cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19 chính thức có hiệu lực từ ngày 17/5. Điều này được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho cả DN và ngân hàng.



                
   

Việc Thông tư 03 có hiệu lực được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc trong việc cơ cấu lại các khoản nợ, giảm áp lực chi phí cho cả DN và ngân hàng - Ảnh: Nguồn Internet

   

Quy định mới về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí

Thông tư số 03/2021/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, nội dung cơ cấu lại thời hạn trả nợ được sửa đổi theo hướng: Số dư nợ của khoản nợ, bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến 31/12/2021.

Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận, trừ một số trường hợp; số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01 đến 29/3/2020; số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021.

Số dư nợ được TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và TCTD đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

TCTD không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Về miễn, giảm lãi, phí, Thông tư sửa đổi, bổ sung như sau: TCTD quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 31/12/2021.

         
Theo NHNN, tính đến ngày 05/4, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.
Giảm áp lực chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và ngân hàng

Đại diện NHNN cho biết, Thông tư 03 quy định chặt chẽ hơn nhằm tránh trục lợi chính sách. Theo đó, các khoản nợ được tái cơ cấu phải phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính trước ngày 10/6/2020.

Việc chỉ cho phép tái cơ cấu các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ từ ngày 23/01/2020 đến sau 3 tháng, kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch như Thông tư 01 đã gây khó khăn cho TCTD khi xác định các khoản nợ đủ điều kiện để tái cơ cấu cũng như theo dõi và hạch toán.

Tháo gỡ vướng mắc này, Thông tư 03 đã mở rộng, bổ sung thêm các điều kiện để cho phép các TCTD tái cơ cấu các khoản nợ còn lại đến hạn. Theo đó, các TCTD được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến hết năm 2021.

Hiện, đã có ngân hàng khẳng định sẽ là thành viên đầu tiên thực hiện Thông tư 03. Giới chuyên gia kỳ vọng Thông tư có hiệu lực sẽ tháo gỡ vướng mắc trong việc cơ cấu lại các khoản nợ, tạo thuận lợi cho cả DN và ngân hàng.

TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - đã chỉ ra những điểm sửa đổi phù hợp của Thông tư 03. Đó là việc cho phép cơ cấu các khoản nợ phát sinh trong giai đoạn từ 23/01 đến 10/6/2020, các ngân hàng có thể xem xét mở rộng lượng dư nợ tái cơ cấu với thời hạn giãn nợ tối đa 12 tháng. Điều đó sẽ hỗ trợ DN vay vốn sản xuất, khi các khoản vay thuộc diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên DN trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, việc kéo giãn thời hạn trích lập cho lượng dư nợ tái cơ cấu đến hạn đồng loạt trong năm 2021 sẽ giúp các ngân hàng tránh được tình trạng chi phí trích lập dự phòng tăng đột biến trong một khoảng thời gian ngắn./.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Thông tư 03 sẽ gỡ vướng cho cả doanh nghiệp và ngân hàng