Thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp, hiện đại. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các dự án nông nghiệp đạt thấp hơn so với trung bình cả nước. Kết quả này đã tạo áp lực cho ngành nông nghiệp phải chạy đua để đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch đề ra, gắn với chất lượng của các dự án được đầu tư.

dsc_5342-1600x1200-.jpg
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong nông nghiệp đạt thấp, nhiều dự án chưa thể triển khai.   Ảnh: N.LỘC

Tỷ lệ giải ngân đạt thấp

Theo ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được giao 6.438 tỷ đồng, trong đó dự án trong nước là 4.218 tỷ đồng, dự án ODA 2.220 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9, Bộ NN&PTNT đã phân bổ hết 6.438 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; khối lượng giải ngân khoảng 2.681 tỷ đồng, đạt 41,6% vốn đã giao và là một trong những Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước.

Những hạn chế trong triển khai dự án đầu tư công, đặc biệt là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm của Bộ NN&PTNT cũng được các đại biểu Quốc hội đề cập, khi Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ vừa qua về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Nhấn mạnh sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ gây ảnh hưởng đến việc nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị cần làm rõ nguyên nhân các dự án đầu tư công của Bộ triển khai chậm, từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả.

        Theo kế hoạch được duyệt, nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho ngành nông nghiệp tăng 30% so với giai đoạn 2016-2020. Trong 3 năm còn lại (2023, 2024, 2025) của giai đoạn 2021-2025, toàn ngành phải giải ngân hết khoảng 60.000 tỷ đồng.

Bộ NN&PTNT

Lí giải nguyên nhân khiến các dự án đầu tư chậm triển khai, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các dự án liên quan đến thủy lợi, đê điều, có tính đặc thù cao, công tác thi công có tính thời vụ, vừa thi công vừa phải bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp... Nhiều dự án khi triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp những vướng mắc về thủ tục và trình tự quy định, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án.

Là một trong những đơn vị có số dự án đầu tư công lớn của ngành nông nghiệp, với 19 dự án, tại Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), việc triển khai dự án cũng không mấy khởi sắc, trong khi việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi đều rất cấp bách. Theo lí giải của ông Đồng Văn Tự - Phó Tổng cục trưởng, những vướng mắc trong khâu phê duyệt thủ tục khiến cho kết quả triển khai thực hiện dự án chậm trễ. Đặc biệt, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư ở một số dự án theo chủ trương chưa hợp lý trong khi thực tế triển khai khác so với kế hoạch nên cần điều chỉnh. Do vậy, từ nay đến cuối năm, Tổng cục chỉ phấn đấu được phê duyệt xong các báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng các dự án, trong đó cố gắng khởi công được khoảng 1/3 số dự án theo kế hoạch.

Đẩy nhanh tiến độ, gắn với chất lượng dự án

Kết quả giải ngân thấp, trong khi chỉ còn khoảng 3 tháng để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của năm 2022 đang đặt ra những áp lực nặng nề cho ngành nông nghiệp. 

dsc_5319-1600x1200-.jpg
Kết quả giải ngân đầu tư công đạt thấp, trong khi nhiều dự án đầu tư lĩnh vực thủy lợi đều rất cấp bách. Ảnh: N.LỘC

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, Bộ vừa rà soát, phân nhóm các dự án gộp để có phương án điều chỉnh; đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào các dự án khởi công trong năm 2022. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, trong giai đoạn sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ chuẩn bị các dự án kỹ lưỡng hơn, tránh kéo dài thời gian thực hiện dự án dẫn đến đội vốn.

Nêu cụ thể về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Thanh cho biết, Bộ đã thực hiện rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, thực hiện và giải ngân.

Đối với 26 dự án chuyển tiếp, Bộ NN&PTNT thực hiện chậm, dự kiến không thể giải ngân hết kế hoạch vốn 2022. Bộ đã có văn bản số 5839/BNN-KH ngày 7/9/2022 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm 950 tỷ đồng.

Để bảo đảm đầu tư công hiệu quả, Bộ sẽ tập trung vào các dự án với đa mục tiêu, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những chủ đầu tư chậm tiến độ, kiên quyết không thực hiện những dự án kém hiệu quả. Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm người đứng đầu vào công tác giải ngân vốn đầu tư công trên cơ sở đánh giá về năng lực, chất lượng, tiến độ giải ngân để có đánh giá phù hợp, sát sao.

“Từ nhiều năm nay, Bộ NN&PTNT đã thực hiện gắn trách nhiệm người đứng đầu vào công tác giải ngân vốn đầu tư công trên cơ sở đánh giá về năng lực, chất lượng, tiến độ giải ngân và bám sát theo từng tháng” - ông Nguyễn Hải Thanh cho biết và nhấn mạnh, một số chủ đầu tư không đạt tiến độ vào cuối năm thì sẽ không cho làm chủ đầu tư những năm tiếp theo.

Xác định những tháng cuối năm là thời điểm thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và các dự án đã hoàn tất thủ tục, song Bộ NN&PTNT khẳng định, dù thúc tiến độ, chất lượng thi công và tuân thủ nghiêm các quy định về đầu tư vẫn là yêu cầu hàng đầu trong triển khai đầu tư công tại Bộ.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi Nguyễn Trung Việt, những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đã được Trường quán triệt đến các đơn vị trực thuộc trong tổ chức mua sắm đầu tư công. Theo đó, các dự án đầu tư do Trường làm chủ đầu tư được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu công khai, minh bạch.

Trong suốt quá trình nhà thầu thực hiện hợp đồng, Trường đều cử các bộ phận chức năng giám sát và đánh giá để có sự chấn chỉnh kịp thời, không vì để đạt tiến độ mà coi nhẹ chất lượng.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp