Hóa giải khó khăn cho doanh nghiệp

Khơi thông dòng vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN), tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ… là những giải pháp căn cơ, cần được triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm tạo động lực cho DN hóa giải khó khăn, phục hồi và phát triển, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

11.jpg
DN còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp “đói vốn” nhưng nguồn vốn vẫn “ế”

Đánh giá tổng thể về thực trạng của DN hiện nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ rõ, DN còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao. Đặc biệt, sự khó khăn của DN thể hiện rõ qua số DN giải thể, phá sản tăng cao với 135.100 DN rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; số DN thành lập mới giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động. Tình trạng DN thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, kéo theo đó là người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp; số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm ngày 01/9/2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ.

Nhìn nhận sâu hơn những khó khăn của DN, đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) chỉ rõ, tăng trưởng cung tiền hiện đang rất eo hẹp, vòng quay tiền bị chậm lại chỉ còn khoảng 0,64 vòng/năm, nguồn tiền, nguồn vốn bị nghẽn lại do hàng tồn kho tăng mạnh; các gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giải ngân chậm. Độ trễ của các gói phục hồi, trong bối cảnh cầu thị trường nước ngoài giảm, đơn hàng giảm sút, nguồn vốn cạn kiệt là áp lực lớn cho DN.

Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội bày tỏ trăn trở trước nghịch lý DN thì “đói vốn” nhưng nguồn vốn lại đang bị “ế”. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chúc Sơn (Đoàn Bến Tre) phân tích, trong khi thông lệ quốc tế thường tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống thì ở Việt Nam liên tục giảm lãi suất điều hành.

Mục tiêu của chính sách này cũng nhằm tạo điều kiện cho DN vay nhưng hơi trái quy luật. Hiện nay, đồng tiền mất giá, sẽ thuận lợi cho xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho nhập khẩu. Trong khi phần lớn DN nhập nguyên liệu đầu vào để sản xuất, có những ngành nhập đến 80% nguyên liệu nên DN sẽ hạn chế nhập, nếu nhập chi phí cao, dẫn đến giá thành hàng hóa tăng, bất lợi. Bên cạnh đó, “qua 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành (giảm từ 0,5-2%) nhưng lãi suất cho vay đối với DN chỉ giảm 1%, lãi vay còn khá cao; vốn thừa nhưng DN tiếp cận vốn vay còn khó” - đại biểu nêu thực tế.

Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tín dụng đến ngày 29/9/2023 chỉ tăng 6,92%. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho hay, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục có phương án điều chỉnh lãi suất cho vay, cung cấp nguồn vốn kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho DN; xem xét xây dựng các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi dành cho các DN có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh hoặc các ngành nghề chịu ảnh hưởng sau dịch Covid-19.

Thế nhưng gói hỗ trợ lãi suất 2% với 40.000 tỷ đồng đang “ế” hơn 38.000 tỷ đồng. “Lãnh đạo ngành ngân hàng nhiều lần giải thích nguyên nhân là do DN không có nhu cầu, nhưng Kiểm toán nhà nước lại chỉ ra rằng công tác truyền thông của Ngân hàng Nhà nước chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, các ngân hàng thương mại chưa tích cực triển khai chính sách” - đại biểu Hà Sỹ Đồng dẫn chứng.

Chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả hơn

Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc hơn những khó khăn của DN để có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn. Trước mắt, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn do quy định pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc; nghiên cứu lại thời gian áp dụng của các chính sách hỗ trợ DN cho phù hợp với năng lực hấp thụ của DN và quá trình sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh hoàn thuế hợp pháp cho DN, tạo nguồn vốn cho DN sản xuất. Đặc biệt, để khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh, các ý kiến nhấn mạnh việc cần có sự hài hòa, chia sẻ giữa tổ chức tín dụng với các DN để cùng nhau vượt qua các khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cần phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng nới lỏng, đẩy mạnh cung tiền và vòng quay tiền, đẩy dòng vốn chảy vào tiêu dùng và sản xuất, tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN. Đồng thời, cần quyết liệt triển khai nhanh, mạnh, kịp thời chính sách giãn, hoãn, gia hạn, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. “Để giải pháp này thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế, cung cấp nguồn “oxy” cho DN, cần mạnh dạn nới lỏng điều kiện, thủ tục để các chủ thể tự tin tăng cường giải ngân các gói hỗ trợ, DN cũng dễ dàng tiếp cận các gói vay ưu đãi” - đại biểu nhấn mạnh.

Chung quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, chúng ta cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa một cách linh hoạt, hiệu quả hơn nữa. Hiện nay, các DN gặp nhiều khó khăn nên chính sách hỗ trợ lãi suất, tín dụng cần được thực hiện hiệu quả hơn nữa để DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn; cần tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) đề nghị, cần tập trung hỗ trợ các DN có thế mạnh trong từng lĩnh vực như: Nông nghiệp, du lịch, khoáng sản..., đồng thời có chính sách thiết thực hơn liên quan đến thuế, đầu tư, tiếp cận đất đai, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu, tạo xung lực dẫn dắt thúc đẩy nền kinh tế phát triển./.

Cùng chuyên mục
Hóa giải khó khăn cho doanh nghiệp