Nguồn:WB |
Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận định trên trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 11/2021.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, sản xuất công nghiệp tăng trở lại
Theo báo cáo của WB, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4,4% (so với tháng trước) trong tháng 9 lên 18,1% (so với tháng trước) trong tháng 10 nhờ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, tổng doanh thu vẫn thấp hơn 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ, vốn tiếp tục phục hồi với tốc độ nhanh hơn doanh thu bán lẻ hàng hóa. Hai chỉ số tăng lần lượt ở mức 44,1% và 14,5% (so với tháng trước) trong tháng 10. Tuy nhiên, cả hai vẫn chưa đạt được mức ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái.
Nguồn:WB |
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước và chỉ thấp hơn 1,6% so với một năm trước. Sự phục hồi này phần lớn nhờ hoạt động sản xuất tại TP. HCM và các trung tâm công nghiệp lân cận được khôi phục.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng vọt từ 40,2 trong tháng 9 lên 52,1 vào tháng 10, lần đầu tiên vượt ngưỡng trung tính 50 trong 5 tháng, cho thấy điều kiện kinh tế được cải thiện đáng kể.
Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư nhưng vốn FDI đăng ký chậm lại
Thặng dư thương mại đạt 2,85 tỷ USD trong tháng 10 do xuất khẩu hàng hóa tăng 5,7% (so với cùng kỳ năm trước) trong khi tăng trưởng nhập khẩu giảm từ 10,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 9 xuống còn 8,1%. Tính chung 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD.
Nguồn:WB |
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đã giảm 47,4% (so với tháng trước) trong tháng 10 sau 3 tháng phục hồi mạnh mẽ. Sự đảo ngược này có khả năng phản ánh tính mùa vụ của FDI và một dự án quy mô lớn đăng ký vào tháng 9/2021. Tính chung 10 tháng năm 2021, cả nước đã thu hút được 23,7 tỷ USD vốn FDI đăng ký, cao hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn:WB |
Ngược lại, nhờ các hạn chế đi lại được nới lỏng, giải ngân vốn FDI tiếp tục phục hồi, tăng 10% (so với tháng trước) mặc dù vẫn thấp hơn 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2021, số vốn FDI thực hiện giảm 4,1% (so với cùng kỳ năm trước).
Lạm phát giảm nhẹ, tăng trưởng tín dụng ổn định
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 0,2% (so với tháng trước) trong tháng 10, sau khi giảm 0,6% trong tháng 9. Do nhu cầu trong nước vẫn yếu, lạm phát cơ bản, chỉ số giá không bao gồm lương thực - thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý cũng giảm 0,17% (so với tháng trước). So với một năm trước, CPI chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong 3 tháng gần đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4%.
Nguồn:WB |
Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 14,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 10, tương đương với tốc độ của tháng 9. Điều này phản ánh sự phục hồi của các hoạt động kinh tế đang diễn ra sau đợt bùng phát dịch lần thứ tư, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ.
Với nhu cầu tín dụng đang phục hồi, lãi suất qua đêm liên ngân hàng chững lại ở mức bình quân 0,65%, tương tự như mức ghi nhận vào tháng 9, chấm dứt xu hướng giảm bắt đầu từ tháng 7/2021.
Ngân sách nhà nước thặng dư sau 2 tháng thâm hụt
Cân đối thu, chi NSNN thặng dư 28 nghìn tỷ đồng (1,2 tỷ USD) trong tháng 10 bởi tổng chi giảm 18,8% mặc dù tổng thu cũng giảm 9,3% (so với cùng kỳ năm trước) do các hoạt động kinh tế chưa được khôi phục hoàn toàn. Chi tiêu công giảm ở cả chi đầu tư phát triển (giảm 25,7% so với cùng kỳ năm trước) và chi thường xuyên (giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước).
Trong 10 tháng năm 2021, ngân sách thặng dư 74,9 nghìn tỷ đồng (3,2 tỷ USD), với tổng chi giảm 8,8% (so với cùng kỳ năm trước) trong khi tổng thu tăng 7,6% (so với cùng kỳ năm trước).
Với vốn đầu tư công giải ngân chậm, Chính phủ chỉ vay mức vốn khiêm tốn 15,6 nghìn tỷ đồng (0,67 tỷ USD) trên thị trường trong nước trong tháng 10, nâng tổng vay nợ tính từ đầu năm lên 264,4 nghìn tỷ đồng (14,4 tỷ USD), tương đương 75,5% kế hoạch năm.
WB nhận định, các can thiệp về chính sách tài khóa sẽ phát huy hiệu quả, trong đó có việc miễn giảm thuế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và cung cấp trợ giúp xã hội cho những đối tượng gặp khó khăn.
Theo đó, gói giảm thuế giá trị gia tăng trong tháng 11 và tháng 12/2021 cho các DN dịch vụ vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống và giải trí đã được thông qua và được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu nội địa trong các ngành này.
Khi nền kinh tế mở cửa trở lại và số ca bệnh mới gia tăng, tiếp tục thực hiện tiêm vaccine một cách nhanh chóng và duy trì cảnh giác với các biện pháp xét nghiệm, cách ly sẽ giúp tránh một làn sóng dịch bệnh mới, một làn sóng có thể buộc Chính phủ phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới để bảo vệ tính mạng của người dân.
Lạm phát cũng cần được theo dõi vì nhu cầu trong nước phục hồi trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới tăng có thể gây ra áp lực tăng giá. Sức khỏe khu vực tài chính cũng cần được giám sát chặt chẽ./.
THÀNH ĐỨC