Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán
Theo bà Kong Leakhena - Vụ trưởng Vụ Kiểm toán I (KTNN Campuchia), cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống hằng ngày, hoạt động kinh doanh và quy trình của hành chính công.
Chính phủ Campuchia đã đề ra các biện pháp để duy trì sự ổn định và phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng cách áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để quản lý thu và chi thông qua hoàn thiện Hệ thống quản lý dữ liệu đăng ký thuế và Hệ thống tự động nhập dữ liệu hải quan, tăng cường triển khai Hệ thống thông tin quản lý nguồn thu phi thuế (NRMIS), tiếp tục đẩy mạnh kết nối và tích hợp đầy đủ các hệ thống liên quan để trao đổi dữ liệu, củng cố và mở rộng triển khai Hệ thống thông tin quản lý tài chính công (FMIS) đến tất cả các Bộ, ngành, sở cấp tỉnh/thành phố và chính quyền địa phương.
Các cơ quan KTNN cần chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, những thông lệ tốt và học tập lẫn nhau hướng tới mục đích chung là tăng cường năng lực hoạt động của các cơ quan KTNN, góp phần thực hiện tốt hơn vai trò kiểm tra, kiểm soát tài sản công, tài chính công.
Bà Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam
Cùng với Chính phủ, KTNN Campuchia cũng đã thích ứng với trạng thái bình thường mới trong hoạt động kiểm toán với mục đích bảo vệ tính mạng và sự an toàn của cán bộ quản lý, công chức và duy trì tính bền vững của các hoạt động thể chế, giúp Chính phủ trong việc quản lý các nguồn lực thông qua các cuộc kiểm toán chất lượng, kịp thời và đáng tin cậy.
Trong bối cảnh bình thường mới, cần có mô hình tiến hành kiểm toán và thay đổi hình thức kiểm toán nhằm đảm bảo và xử lý các rủi ro bất ngờ có thể ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán - bà Phetsamone Soukkhaserm - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán Ngân hàng (KTNN Lào) cho biết. Do đó, khi lập kế hoạch kiểm toán, KTNN Lào đã tính đến nhiều yếu tố như: Kiểm toán viên, nhà cung cấp, nhà thầu, đối tượng được kiểm toán và gia đình kiểm toán viên… để đảm bảo việc đánh giá rủi ro được thực hiện một cách phù hợp, cũng như đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của Báo cáo kiểm toán.
Có thể thấy, các cơ quan KTNN đã tìm các giải pháp thích ứng với tình hình, phổ biến nhất là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kiểm toán, đặc biệt là có thể triển khai kiểm toán từ xa.
Theo chia sẻ của bà Kong Leakhena, KTNN Campuchia đã mua các phần mềm để sử dụng trong các cuộc họp trực tuyến triển khai kiểm toán, kết luận kiểm toán, cũng như các cuộc phỏng vấn từ xa với đơn vị được kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán cũng cung cấp các tài liệu biểu mẫu điện tử trích xuất từ hệ thống CNTT hoặc tài liệu được quét theo yêu cầu để gửi cho đoàn kiểm toán qua email hoặc các ứng dụng chia sẻ tệp tin…
Đề cập đến những thay đổi của KTNN Lào trong quy trình thủ tục kiểm toán, bà Phetsamone Soukkhaserm cho biết, chúng tôi đã cân nhắc xem nội dung kiểm toán nào nên tiến hành qua mạng, nội dung nào nên tiến hành trực tiếp; nội dung nào phù hợp để tiến hành kiểm toán thông qua tài liệu điện tử hoặc tài liệu bản cứng. Trong trường hợp cần xem tài liệu được quét điện tử, kiểm toán viên phải xem xét độ tin cậy của tài liệu và lưu ý tính đầy đủ của tài liệu. Nếu cần thiết, kiểm toán viên phải thực hiện cuộc gọi video trong khi đơn vị quét tài liệu và gửi cho kiểm toán viên để đảm bảo rằng tài liệu đó là từ bản gốc và được gửi một cách xác thực.
Thành tựu khả quan nhưng còn nhiều thách thức
Nhờ các sáng kiến chủ động liên tục được triển khai, KTNN Campuchia đã đạt được nhiều kết quả khả quan, như: Hoàn thành khoảng 95% công tác kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và ngân hàng, tổ chức công, doanh nghiệp, các địa phương, các dự án của đối tác phát triển, cũng như các hợp đồng nhượng quyền đã đề ra trong kế hoạch kiểm toán hằng năm.
Còn với KTNN Lào, các sáng kiến cũng giúp cơ quan này hoàn thành kiểm toán quyết toán NSNN của các Bộ, ngành, địa phương, kiểm toán doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, các dự án vay, viện trợ theo kế hoạch được duyệt đạt 94% kế hoạch hằng năm. Nhờ đó, các cơ quan KTNN đều đảm bảo báo cáo kịp thời kết quả kiểm toán quyết toán NSNN trước Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh…
Chia sẻ kinh nghiệm từ KTNN Việt Nam, ông Trần Văn Hảo - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI - cho biết, để ứng phó với tình hình, KTNN Việt Nam đã tổ chức triển khai thực hiện thí điểm kiểm toán từ xa tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Đây là cuộc kiểm toán có hình thức rất mới, thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, sử dụng nguồn dữ liệu dưới dạng điện tử trong công tác kiểm toán, mở ra một hướng đi mới trong hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam.
Đồng thời tạo lập được cơ sở dữ liệu về cơ cấu tổ chức bộ máy, tình hình kinh doanh và việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của VNPT (tính đến thời điểm kết thúc cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán đã nhận 6.511 file tài liệu do VNPT cung cấp); giảm thiểu tác động của các yếu tố khách quan bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai…; góp phần tăng tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động KTNN.
KTNN Việt Nam đúc rút, về lâu dài, việc chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, quy mô kiểm toán ngày càng lớn, loại hình kiểm toán đa dạng, các cuộc kiểm toán sẽ ngày càng phải dựa vào việc tiếp cận dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán để phân tích các giao dịch, thực hiện các thủ tục thu thập bằng chứng kiểm toán.
Do vậy, KTNN nên hướng tới xây dựng hình thành cơ sở dữ liệu lớn của KTNN về đơn vị được kiểm toán để lưu trữ, tổng hợp, phân tích các dữ liệu nhằm phục vụ công tác lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, các cơ quan KTNN đều gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Giải pháp được KTNN Lào đưa ra là tăng cường đào tạo CNTT, cũng như đào tạo về sự phối hợp giữa kiểm toán viên và các đơn vị được kiểm toán; tăng cường khả năng kết nối hoặc quyền truy cập vào hệ thống thông tin của các đơn vị được kiểm toán.
KTNN Campuchia cũng nhận thấy rằng, phải tiếp tục nâng cao năng lực kiểm toán viên về phương pháp kiểm toán, cách sử dụng CNTT để truyền thông tin và phân tích dữ liệu; thực hiện kiểm toán từ xa kết hợp với kiểm toán tại chỗ; tăng cường cơ sở hạ tầng của hệ thống thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm toán từ xa, như khả năng kết nối hoặc quyền truy cập vào hệ thống thông tin của đơn vị được kiểm toán.
Đồng tình với những giải pháp này, từ phía KTNN Việt Nam, ông Trần Văn Hảo cho biết, trước hết, pháp luật cần có các quy định chi tiết, rõ ràng về quyền của KTNN trong việc truy cập, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu.
Bên cạnh các kiến thức về chuyên môn, đội ngũ kiểm toán viên phải có kiến thức nhất định về CNTT, an ninh hệ thống và am hiểu về đặc thù hệ thống CNTT của các đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, đơn vị được kiểm toán phải có hạ tầng kỹ thuật CNTT tốt và thực hiện quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh gần như hoàn toàn trên môi trường số, bao gồm cả việc số hóa chứng từ kế toán và các tài liệu có liên quan; sẵn sàng triển khai xây dựng các ứng dụng kết nối, trao đổi trực tuyến với KTNN./.