Thực hiện kiến nghị kiểm toán: Thước đo tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán

(BKTO) - “Theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán” là Chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị người đứng đầu 3 cơ quan Kiểm toán nhà nước (KTNN) Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10. Cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm, đại diện của 3 cơ quan KTNN còn đưa ra các khuyến nghị, giải pháp nhằm góp phần tăng cường hiệu quả theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

3-ben(1).jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: B.SƠN

Phát huy giá trị hoạt động kiểm toán

Bà Chhoeuy Davy - Vụ trưởng Học viện Kiểm toán quốc gia (KTNN Campuchia) - cho biết, KTNN Campuchia đã và đang cải thiện công tác kiểm toán thông qua nỗ lực áp dụng 12 nguyên tắc của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) nhằm tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người dân, trong đó có nguyên tắc liên quan đến việc theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Đối với KTNN Campuchia, theo dõi là bước cuối cùng của quy trình kiểm toán và thường bắt đầu vào một khoảng thời gian nhất định và thích hợp sau khi Báo cáo kiểm toán cuối cùng đã được gửi tới đơn vị được kiểm toán và các bên liên quan. Đây là một hoạt động độc lập nhằm phát huy giá trị hoạt động kiểm toán, nâng cao tác động của cuộc kiểm toán.

Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của KTNN Campuchia còn tuân theo hệ thống Westminster - nghĩa là việc thực thi kiến nghị kiểm toán “nằm trong tay” Quốc hội. Vì vậy, mối quan hệ giữa Quốc hội và cơ quan KTNN đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của kết quả kiểm toán.

Qua thực tế theo dõi các kết quả kiểm toán và các kiến nghị kiểm toán, KTNN Campuchia nhận thấy rõ sự quan tâm và cam kết của các đơn vị được kiểm toán cũng như các đơn vị liên quan về việc thực hiện các hành động khắc phục nhằm cải thiện những điểm yếu được nêu rõ trong các phát hiện và kiến nghị kiểm toán.

“Chúng tôi đánh giá cao những kết quả và nỗ lực của Chính phủ Hoàng gia trong các chương trình cải cách, đặc biệt là cải cách tài chính công, nhờ đó sự đóng góp của công tác kiểm toán đối với việc quản lý tài chính công đã trở nên hiệu quả hơn” - bà Chhoeuy Davy chia sẻ.

Kinh nghiệm của chúng tôi là công khai, minh bạch những kết luận, kiến nghị kiểm toán. các báo cáo kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai để phục vụ việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Như vậy, không chỉ đơn vị được kiểm toán, các cơ quan cấp trên có liên quan mà toàn thể nhân dân có thể theo dõi, giám sát kết quả kiểm toán có xác thực, phù hợp, xác đáng không; giám sát đơn vị được kiểm toán có thực hiện kiến nghị kiểm toán đầy đủ, kịp thời không… 

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn

Theo ông No Phetpanya - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá chất lượng kiểm toán (KTNN Lào), việc theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN Lào đã tuân theo pháp luật kiểm toán và Chuẩn mực quốc tế của các cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAI), qua đó khuyến khích đơn vị được kiểm toán tôn trọng và có ý thức tuân thủ pháp luật về kiểm toán; thúc đẩy, thuyết phục các đơn vị giải quyết vướng mắc theo kiến nghị kiểm toán.

Tuy nhiên, theo Luật Kiểm toán (sửa đổi) năm 2022, tình hình rà soát việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN Lào khắt khe hơn so với trước đây, trong đó đặc biệt tập trung vào việc chỉ đạo đối tượng được kiểm toán phải chỉ định một ủy ban/bộ phận chịu trách nhiệm chấn chỉnh, khắc phục theo kết quả kiểm toán; lấy kết quả thực hiện kiểm toán làm tiêu chí, cơ sở để đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật của tổ chức, công chức…

Nhấn mạnh việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tác động tới hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công, ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN Việt Nam) - cho rằng, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo về tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Giá trị của Báo cáo kiểm toán chỉ thực sự phát huy khi kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Do đó, công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Chất lượng kiến nghị kiểm toán là cơ sở quan trọng

Theo tổng hợp của KTNN Việt Nam, về cơ bản, các đơn vị được kiểm toán đã nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị kiểm toán. Các kiến nghị xử lý về tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước những năm qua đạt từ 75-80% đối với các kiến nghị kiểm toán của năm liền kề và được tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, còn không ít kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn chia sẻ, khoảng 20% kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân, có thể do đơn vị được kiểm toán, từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… Điều cốt yếu nhất để các kiến nghị được thực hiện tốt, đạt tỷ lệ cao phải xuất phát từ chất lượng của các kết luận, kiến nghị. Khi đưa ra những kiến nghị thiết thực, xác đáng, đương nhiên các đơn vị sẽ phải thực hiện!

Theo dõi thực hiện các kiến nghị kiểm toán giúp thể hiện vai trò quan trọng của cơ quan kiểm toán tối cao trong việc đảm bảo tính bền vững và hiệu quả làm việc, đặc biệt là khả năng hỗ trợ cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. 

Tổng KTNN Campuchia Som Kim Suor

Chia sẻ về thách thức của KTNN Campuchia trong theo dõi việc thực hiện các phát hiện và kiến nghị kiểm toán, đại diện cơ quan này cho biết, hiện nay, khối lượng công việc kiểm toán không ngừng tăng lên trong khi một số kiến nghị kiểm toán thường lặp đi, lặp lại khiến cơ quan kiểm toán và đơn vị được kiểm toán mất nhiều thời gian thực hiện.

Thêm vào đó, tại Campuchia còn chưa có nguyên tắc hoặc cơ chế chung để thực hiện các kiến nghị kiểm toán nên hiện nay, việc theo dõi các kiến nghị chỉ được thực hiện trong các đợt kiểm toán tiếp theo. KTNN Campuchia cũng chưa có phần mềm hỗ trợ quản lý theo dõi kiến nghị kiểm toán.

Trao đổi về thách thức của KTNN Lào, ông No Phetpanya cũng cho biết, một số nội dung chưa được các Bộ, ngành quy định cụ thể, gây bất cập cho việc thực hiện theo dõi kiến nghị. Yêu cầu đặt ra nữa là cần cải tiến, thay đổi tư duy và mô hình thực hiện.

Một số đơn vị được kiểm toán vẫn giữ mô hình cũ, chưa dám thực hiện những đổi mới để giải quyết các vấn đề theo kiến nghị kiểm toán. Còn có tình trạng các đơn vị kiểm toán báo cáo kết quả kiểm toán cho cấp quản lý không rõ ràng, che giấu vi phạm, khiến việc giải quyết các kiến nghị kiểm toán không đúng chỗ và vi phạm tiếp tục tái diễn.

Bên cạnh đó, một số đơn vị được kiểm toán không giải quyết được các vướng mắc mà kiến nghị kiểm toán đã nêu. Họ chưa có kế hoạch, lịch trình, thời gian rõ ràng để ưu tiên những vấn đề cấp bách, vấn đề thứ yếu cần giải quyết theo kiến nghị kiểm toán.

Làm thế nào để chúng ta nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán là nội dung quan trọng, thể hiện hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán của chúng ta, góp phần xây dựng đất nước cũng như giúp Chính phủ quản lý việc sử dụng tài chính, tài sản công. 

Chủ tịch KTNN Lào Viengthavisone Thephachanh 

Đại diện KTNN Campuchia, KTNN Lào đều cho biết những thách thức này sẽ được các cơ quan nỗ lực giải quyết trong thời gian tới. Từ phía KTNN Việt Nam, ông Vũ Ngọc Tuấn chia sẻ, KTNN Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Cụ thể như: Đôn đốc bằng văn bản; đôn đốc qua hoạt động kiểm toán; kiến nghị người có thẩm quyền xử lý đối với cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán; tích cực kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán… KTNN Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…/.

Cùng chuyên mục
Thực hiện kiến nghị kiểm toán: Thước đo tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán