Xuất khẩu “bùng nổ”, nông sản hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao

N.LỘC (thực hiện) | 23/05/2024 06:04

Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng, với những tín hiệu tích cực từ thị trường, mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2024 được đánh giá là có nhiều triển vọng. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt đã trao đổi thêm về vấn đề này.

12.jpeg
Xuất khẩu nông sản “bùng nổ”, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu năm 2024. Ảnh: N.LỘC

4 tháng đầu năm nay đã ghi nhận những kết quả quan trọng về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Xin ông cho biết thêm về kết quả này?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 14,32 tỷ USD. Như vậy, giá trị xuất siêu đạt 4,74 tỷ USD, tăng 71,5%. Tính chung 4 tháng, các nhóm hàng xuất khẩu của ngành đều tăng; trong đó, nông sản đạt 10,44 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lâm sản 5,18 tỷ USD, tăng 22,8%; thủy sản 2,68 tỷ USD, tăng 4,2%; chăn nuôi 152 triệu USD, tăng 3,6%.

Không chỉ đạt kết quả cao về giá trị, thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng có nhiều tín hiệu tích cực, với việc giá trị xuất khẩu tới các thị trường trọng điểm đều tăng so với cùng kỳ. Trong số đó, xuất khẩu sang châu Âu tăng 38,6%; châu Á tăng 19,8%; châu Mỹ tăng 24,6%; châu Đại Dương tăng 26% và châu Phi tăng 33,3%. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm gần 19% và Nhật Bản chiếm gần 7%. Dư địa mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế còn rất lớn. Đơn cử như với ngành gỗ, Hoa Kỳ vẫn là thị trường có mức tăng trưởng khả quan nhất, khi chiếm tới 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này. Trong khi nhiều thị trường khác cũng quan tâm đến sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Ông có đánh giá ra sao về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp vừa qua và triển vọng của một số mặt hàng này trong thời gian tới, thưa ông?

Tin vui trong bức tranh sáng về xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm, đó là hầu hết các mặt hàng chủ lực, đóng góp tỷ đô cho nông nghiệp đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7%; cà phê đạt 2,57 tỷ USD, tăng 57,9%; gạo đạt 2,08 tỷ USD, tăng 36,5%; điều đạt 1,16 tỷ USD, tăng 21,2%; rau quả đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32,1%; tôm đạt 937 triệu USD, tăng 5,9%... Nhiều mặt hàng có giá xuất khẩu bình quân tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái, như: Cà phê đạt 3.402 USD/tấn, tăng 49,7%; cao su đạt 1.487 USD/tấn, tăng 6,9%; hạt tiêu đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4%...

Đáng chú ý, mặt hàng gạo Việt Nam sau thời gian “làm mưa làm gió” trên thị trường thế giới năm 2023 tiếp tục thể hiện kết quả tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm nay. Gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn. Đặc biệt, so với các nước xuất khẩu gạo, như: Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam có thể cạnh tranh lớn nhất ở thị trường Liên minh châu Âu (EU), nhờ việc đã ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Với kết quả xuất khẩu 4 tháng vừa qua (cao nhất tính trong 4 tháng đầu năm từ trước tới nay), nếu cả năm vẫn duy trì 750.000 tấn/tháng thì dư địa thị trường xuất khẩu có thể lên tới 9 triệu tấn gạo. Nhất là trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm vẫn ở mức cao, do đó, nông sản Việt sẽ tiếp tục có vị thế xuất khẩu.

Một mặt hàng xuất khẩu khác, như: Gỗ tiếp tục chứng kiến sự “bùng nổ” khi tăng 23,7% so với cùng kỳ, đóng góp tới 4,84 tỷ USD vào giá trị xuất khẩu. Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu gỗ tương đối ổn định, trong đó: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU vẫn là những thị trường trọng điểm tiếp nhận sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2024 được Bộ xác định tương đối cao. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp cần phải thực hiện những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54-55 tỷ USD. Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu cũng phải đối diện với những thách thức nhất định về thị trường, tình hình thế giới, đặc biệt là tình trạng xuất khẩu nông sản dưới dạng thô vẫn chiếm chủ yếu (khoảng 90%), ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị xuất khẩu. Do đó, để nắm bắt cơ hội và tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực chế biến, từ đó xây dựng được chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp và tạo ra những sản phẩm nổi trội, đem lại giá trị cao hơn.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục phối hợp xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản. Trong đó, tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, các thị trường: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… có nhiều tiêu chuẩn khắt khe, nhất là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, tiêu chuẩn xã hội... Do đó, Bộ đã đưa ra khuyến cáo với địa phương, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp muốn xuất khẩu một cách bền vững cần hết sức quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, cũng như vấn đề môi trường…

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài, các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các địa phương, giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến xuất khẩu. Điều này đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Xuất khẩu “bùng nổ”, nông sản hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao