Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, triển khai thực hiện Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thanh tra Chính phủ ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện Luật, Kế hoạch xây dựng thể chế và các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, các đề án được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023.
Thanh tra Chính phủ cũng đã trình Chính phủ dự thảo 03 Nghị định và hồ sơ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 01 nghị định, trình Quốc hội thông qua hồ sơ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đang lấy ý kiến Thành viên Chính phủ đối với 02 dự thảo nghị định.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng Định hướng chương trình thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó có nội dung chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực , nhiều đơn khiếu nại, tố cáo và dư luận xã hội quan tâm.
Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm của đơn vị, địa phương mình đảm bảo đúng định hướng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành.
Đối với việc xử lý chồng chéo, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Luật Thanh tra năm 2022 quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với KTNN.
Vì vậy, trong quá trình tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm, Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với KTNN để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và KTNN.
Cụ thể, Quy chế số 1618/QCPH:KTNN-TTCP ký ngày 23/9/2021 giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước đã quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán; nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; việc kế thừa kết quả qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; việc cung cấp thông tin giữa hai cơ quan và việc gửi Dự thảo Kế hoạch của các cơ quan thanh tra và Kiểm toán để chủ động xử lý những nội dung chồng chéo ..
“Nhìn chung, việc chồng chéo, trùng lặp giữa Thanh tra Chính phủ và KTNN đã được khắc phục. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng nhằm khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra” - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thông tin.
Về phía KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, KTNN luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hằng năm, KTNN đã gửi văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành về kế hoạch kiểm toán năm của KTNN, đảm bảo tuân thủ pháp luật, minh bạch.
Đặc biệt, KTNN đã cùng Thanh tra Chính phủ rà soát, kiểm tra kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra của hai cơ quan trước khi ban hành kế hoạch kiểm toán năm, nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thanh tra, kiểm tra theo Nghị quyết 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội: Không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 01 lần/năm về cùng 01 nội dung đối với 01 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Đồng thời, trong quá trình kiểm toán, KTNN cũng chủ động điều chỉnh giảm, không kiểm toán đối với những đầu mối, đơn vị đã được các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp; giảm thiểu sự phiền hà cho các đơn vị được kiểm toán./.