Đã đến lúc cần có Luật về khu kinh tế, khu công nghiệp

(BKTO) - Mở những “nút thắt” để các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KKT, KCN, CCN) phát triển bằng tầm nhìn quy hoạch hợp lý, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi thay trong quản lý, điều hành và thực thi đúng pháp luật là những giải pháp hữu hiệu nhất được các chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra…

6-toa-dam.jpg

Cần nhận diện rõ bất cập từ cơ chế đến quản lý và thực thi

Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Luật Đầu tư có ưu đãi cho nhà đầu tư đầu tư vào KKT, KCN. Tuy nhiên, các quy định pháp luật còn những nút thắt, mâu thuẫn, chẳng hạn như quy định về ưu đãi đầu tư giữa Luật Đầu tư với Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư không thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi khi giải quyết vấn đề ưu đãi cho nhà đầu tư.

Cùng chỉ rõ bất cập trong vấn đề ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh nêu rõ, ở các địa phương, ngoài những KCN, CCN do doanh nghiệp đầu tư còn có các khu, cụm do Nhà nước đầu tư. Theo quy định, đó là tài sản công của Nhà nước, được quản lý, sử dụng theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nghị định quy định chi tiết. Tuy nhiên, đến nay, quy định chi tiết về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng KKT, KCN, CCN chưa được ban hành.

Luật Quy hoạch đã “bỏ” không gian địa giới hành chính của từng tỉnh mà tôn trọng không gian kinh tế - đây là điều chủ chốt nhất. Để đẩy mạnh phát triển KCN, CCN, phải thay đổi nhận thức, phải “bám” vào Luật Quy hoạch; phải tôn trọng thực tế, không nên thấy tỉnh A làm công nghiệp điện tử thì tỉnh mình cũng làm mà phải hài hòa giữa mong muốn của nhà đầu tư và thực tế của địa phương; trong quá trình tổ chức thực hiện, cần phối hợp thông tin “trên - dưới” tốt hơn nữa.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia

Theo quy định, những gì Nhà nước đầu tư vào KKT, KCN, CCN thì nhà đầu tư có quyền quản lý, sử dụng, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp mở rộng. Phần Nhà nước đã đầu tư đó được coi là phần hỗ trợ và nhà đầu tư không được tính vào tổng mức đầu tư, không được tính vào chi phí (để tính ra giá tiền cho khách hàng thuê diện tích trong KKT, KCN, CCN). Rõ ràng, khi Nhà nước đã hỗ trợ ban đầu thì tất cả chi phí phát sinh ở các khâu sau phải do nhà đầu tư chịu trách nhiệm. Nhưng theo quy định hiện nay, nếu phải sửa chữa, nâng cấp, mở rộng thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm, điều này là bất hợp lý. Do vậy, cần phải có cơ chế quản lý, vận hành, khai thác, cũng như xử lý tài sản hiệu quả và phù hợp - ông Thịnh đề xuất.

Ngoài vấn đề thiếu “mặt bằng” quy phạm pháp luật, cần xem xét việc thực hiện pháp luật đã tốt chưa - ông Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lưu ý. Liệu những “điểm tối” trong công tác thực thi mà chúng ta chưa đề cập, cụ thể là những người đang trực tiếp điều hành, quản lý các KKT, KCN đã làm tốt chưa, DN và nhà đầu tư đã được tạo điều kiện thực sự chưa, hay vẫn còn những “điểm nghẽn” trong quản lý hành chính?

Nguồn nhân lực được xem là một trong 3 đột phá chiến lược nhưng chúng ta đang thiếu cơ sở dữ liệu chính thống, đầy đủ về lao động tại các KKT, KCN. Bộ KHĐT đang xây dựng các hệ thống thông tin về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có chỉ tiêu về tăng trưởng xanh gắn với các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường trong KKT, KCN. Chúng ta cần quan tâm đến vấn đề này nhằm có thông tin, dữ liệu đánh giá đầy đủ, đúng đắn về các mặt được và chưa được, từ đó mới ban hành các chính sách phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Trăn trở với tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN mới đạt trên 50% là rất thấp, ông Bùi Đặng Dũng cho rằng, cần ban hành Luật về quản lý KKT, KCN để tăng cường quản lý nhà nước đối với các KKT, KCN. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đến nay, cả nước đã có hơn 400 KCN và hàng chục KKT. Với sự phát triển mạnh mẽ này, theo ông Bùi Đặng Dũng, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải tiến hành giám sát chuyên đề, giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý KKT, KCN...

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

Để đưa ra những đánh giá tổng quan về các kết quả đạt hay chưa đạt trong phát triển mô hình KKT, KCN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ KHĐT đã đánh giá, tổng kết quá trình phát triển mô hình KKT, KCN từ năm 1991 đến nay và chia theo 4 giai đoạn, trên cơ sở đó nhằm hướng đến xây dựng, hoàn chỉnh khung pháp lý phát triển KKT, KCN.

Đã đến lúc cần có Luật về mô hình các khu, không chỉ là KKT, KCN mà còn có các khu công nghệ cao. Phải có Luật để điều chỉnh và áp dụng thống nhất trong cả nước về cách tiếp cận, trình tự thủ tục, ưu đãi, đặc biệt là mô hình quản lý ở địa phương. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác quy hoạch, bởi đây là nền tảng của sự phát triển bền vững; và công tác thực thi phải tốt.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ KHĐT

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, từ năm 2022 đến nay, các chính sách, pháp luật liên quan đến KKT, KCN có nhiều thay đổi, đặc biệt Luật Quy hoạch đã tích hợp quy hoạch các KCN, KKT với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhằm tránh xung đột lợi ích cả về chiều ngang và chiều dọc; đảm bảo liên kết vùng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; đảm bảo tính thống nhất và gắn kết theo trục từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh để tạo ra không gian phát triển. Theo đó, việc phát triển các KKT, KCN, CCN đảm bảo tính đồng bộ, kết nối từ quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng… và các thiết chế cho người lao động. Cùng với đó, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý KCN và KKT được ban hành đã quy định cụ thể về đánh giá hiệu quả sử dụng đất; yêu cầu quy mô KCN phải gắn với liên kết ngành, quy mô sử dụng đất; có bổ sung cơ chế chuyển đổi KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái, chuyên sâu, KCN tiên tiến nhằm tạo hệ sinh thái phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ - logistics. Tất nhiên, cần phải thực hiện kiểm tra, giám sát để các quy định này đi vào cuộc sống - bà Ngọc nhấn mạnh.

Các cơ quan quản lý cần tiếp tục tháo gỡ những nút thắt, hỗ trợ phát triển KKT, KCN như một động lực quan trọng thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Kiểm toán nhà nước sẽ đề xuất những giải pháp để phát triển các KKT, KCN, CCN, cũng như đảm bảo nguồn lực tài chính công, tài sản công được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả.

Ông Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước

Đồng quan điểm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cũng khẳng định, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ra đời đã giải quyết được hầu hết các bất cập về cơ sở hạ tầng, thiết chế giáo dục, văn hóa, hiệu quả sử dụng đất, khuyến khích chuyển đổi các KCN, CCN theo hướng hiện đại… Đơn cử về hiệu quả sử dụng đất, Nghị định quy định rõ nhà đầu tư đã sử dụng bao nhiêu diện tích đất, nếu chưa đạt tỷ lệ lấp đầy theo quy định thì nhà đầu tư không được mở rộng hoặc mở mới dự án khác và giới hạn quy mô, phạm vi của mỗi KCN tối đa chỉ 1.000ha, trong khi trước đây có thể rộng hơn rất nhiều...

Trong lộ trình tiếp theo, để mở những nút thắt, các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, cần phải ban hành Luật về KKT, KCN, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất giữa các luật, cũng như các văn bản dưới luật./.

Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đầu tư công
    6 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nâng cao hiệu lực, hiệu quả đầu tư công (ĐTC), tạo đà thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - đó là nhiệm vụ cần sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán. Vậy Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần làm gì để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ này?
  • Gỡ “nút thắt” định giá đất và vai trò của Kiểm toán nhà nước
    6 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Trong khuôn khổ Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước” do Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa tổ chức, các ý kiến đồng thuận rằng, định giá đất đang là “nút thắt” lớn nhất cản trở nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế. Để tháo gỡ vấn đề này, bên cạnh công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, vai trò của KTNN là rất quan trọng.
  • Nhiều tiến bộ quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ của KTNN
    6 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong hành trình phấn đấu vì bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ, giai đoạn 2021-2023, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã quan tâm đặc biệt, chỉ đạo, điều hành sát sao và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ. Theo đó, đội ngũ đảng viên và công chức nữ luôn được ưu tiên và tạo điều kiện phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
  • Kiểm toán giao thông công cộng - kinh nghiệm thực tiễn từ Việt Nam và Trung Quốc
    6 tháng trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của nền kinh tế đòi hỏi cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải hành khách công cộng ngày càng phải hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu di chuyển tại các thành phố lớn. Theo đó, việc kiểm toán quản lý, điều hành vận tải công cộng chính là nhu cầu thiết yếu của mỗi quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thể hiện trên khía cạnh gìn giữ môi trường, không gây ô nhiễm.
  • Cơ chế, chính sách đất đai là gốc rễ của nhiều “nút thắt”
    6 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai là gốc rễ của những nút thắt, điểm nghẽn, khiến việc quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, đầu tư công (ĐTC), phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KKT, KCN, CCN) ách tắc, kém hiệu quả - GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ với Báo Kiểm toán.
Đã đến lúc cần có Luật về khu kinh tế, khu công nghiệp