Để nông sản Việt tự tin cạnh tranh, tăng trưởng bền vững

(BKTO) - Những tháng đầu năm, trong khi các nhóm hàng lâm sản, thủy sản có xu hướng giảm, hàng nông sản lại vươn lên trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để mang lại giá trị đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế trong bối cảnh thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn đòi sản xuất, kinh doanh nông sản cần không ngừng tự đổi mới mình hơn nữa, từ đó góp phần nâng cao giá trị, cũng như khả năng phát triển bền vững.

1-2-1663749338743519077468-1664330197534586976009.jpeg
Gạo và nhiều mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng trong những tháng đầu năm. Ảnh: Báo Chính phủ

Bất chấp khó khăn, ngành hàng nông sản tiếp tục tăng trưởng

Bước sang năm 2023, sản xuất kinh doanh của ngành nông, lâm, thủy sản được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong đó, ảnh hưởng của tình hình thế giới, kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng chậm lại, cộng với tình trạng lạm phát cao tại một số nước đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng… đang tạo nên những thách thức ngày càng lớn cho ngành nông nghiệp. 

Đơn cử, năm 2022, ngành thủy sản thiết lập hàng loạt mốc kỷ lục, như xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so với kế hoạch 9 tỷ USD. Trong đó, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng là tôm với khoảng 4,2 tỷ USD (tăng khoảng 13%), cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng khoảng 70%). Tuy nhiên, đến hết quý I/2023, cá tra và tôm lại là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm mạnh, với lần lượt 33,1% và 39,4% so với cùng kỳ năm 2022. 

"Những dự báo về tình hình khó khăn và ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp được Bộ đưa ra là chính xác. Đây cũng là lý do mà Bộ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 dao động ở mức như năm ngoái" - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết. 

Những điểm sáng hiếm hoi của ngành nông nghiệp lại đến từ nhóm mặt hàng nông sản, khi nhiều sản phẩm chủ lực của nhóm hàng tiếp tục tăng, như: Gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%)...

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); tiếp đến là Mỹ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); Nhật Bản đứng thứ 3 với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%)…

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, xuất khẩu rau quả tăng trong quý I/2023 một phần quan trọng là nhờ thị trường Trung Quốc được khai thông. Đây là thành quả từ các nghị định thư về xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc được ký từ nửa cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, sản phẩm gạo cũng được kỳ vọng sẽ bứt tốc trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam đang chú trọng xuất khẩu ở phân khúc gạo đặc sản, gạo chất lượng cao. Ngoài ra, việc Việt Nam đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu tăng chất lượng gạo song song với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính cũng hứa hẹn sẽ mang lại vị thế cao hơn cho hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế. 

Đầu tư công nghệ để gia tăng giá trị nông sản Việt

Ghi nhận sự tăng trưởng của nhóm hàng nông sản, song các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng cảnh báo, phát triển nông sản Việt còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu tính bền vững, với phương thức sản xuất, kinh doanh còn thiếu kết nối và giá trị chưa cao so với cùng sản phẩm tại quốc gia khác.

Theo đó, một nền tảng công nghệ nông nghiệp từ nông trại đến doanh nghiệp dựa trên dữ liệu trong toàn chuỗi có thể hỗ trợ giải quyết các điểm "nghẽn" hiện nay. 

den-nam-2025-toc-do-tang-truong-gia-tri-gia-tang-nganh-nong-nghiep-dat-binh-quan-tu-25-3nam-12-.1074.gif
Ứng dụng công nghệ giúp nâng cao khả năng thích ứng và tăng giá trị cho nông sản Việt. Ảnh tư liệu

Theo ông Mai Quang Vinh (Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam), để đóng góp vào giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp, trong đó có quản lý, giám sát và kết nối các loại nông sản với thị trường trong nước, quốc tế, Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam đã xây dựng thành công các phần mềm phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản và hiện đang được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố.

Các phần mềm cung cấp nền tảng học và hướng dẫn kỹ thuật trực tuyến về nông nghiệp 4.0 và các phương thức canh tác sản xuất an toàn, sạch, phòng ngừa sâu bệnh, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Với việc triển khai hệ thống phần mềm, người sản xuất sẽ biết được sản phẩm của mình bán cho ai, nhà quản lý giám sát được vùng trồng… Qua áp dụng trên một vùng trồng cho thấy, kết quả đã "tăng được giá bán rau, củ lên 1,5 lần; lúa gạo hữu cơ tăng 2 lần, quy mô sản xuất tăng 2-3 lần so với thời điểm trước khi áp dụng công nghệ” – ông Vinh cho biết.

Trong bối cảnh cạnh tranh xuất khẩu ngày càng gia tăng, cũng như khó khăn về thị trường tiêu thụ đòi hỏi nông sản Việt cần không ngừng tự đổi mới mình. Trong đó, ứng dụng công nghệ có thể hỗ trợ nhà nông trong việc chủ động thích ứng trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo giá thành, kết nối với nhà cung cấp; từ đó góp phần nâng cao giá trị nông sản.

- Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp - 

Trước những yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng, độ an toàn đối với sản phẩm ngày càng cao, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, để nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt, yếu tố năng suất là chưa đủ, mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ phù hợp với mong muốn của thị trường. 

Đề cập đến vấn đề này, đại diện Công ty cổ phần icheck cho rằng, truy xuất nguồn gốc đã trở thành điều kiện của nhiều thị trường xuất khẩu nông sản Việt. Điều này càng trở nên quan trọng, khi Việt Nam đang tham gia sâu rộng nhiều hiệp định thương mại tự do; đồng thời hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu tại thị trường châu Âu, vốn ngặt nghèo về tiêu chuẩn. “Nếu không nâng cao chất lượng hàng hóa và tuân thủ nghiêm các quy định của Liên minh châu Âu, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp sẽ không tận dụng được tối đa các ưu đãi do hiệp định thương mại tự do mang lại” – đại diện doanh nghiệp cho biết. 

Tại Việt Nam, nhiều tỉnh đã triển khai kế hoạch truy xuất nguồn gốc chuỗi nông sản bằng QR Code. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn gặp khó khăn vì không có hệ thống định danh chung cho sản phẩm; chưa kết nối đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc… kết quả là thông tin truy xuất chưa đầy đủ trong toàn chuỗi. Chính điều này đã không tạo được lòng tin của thị trường, cũng như làm giảm giá trị của nông sản Việt. Do đó “việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn quốc gia, giúp quản lý toàn diện vùng trồng, thông tin truy xuất theo chuỗi cung ứng là vô cùng cấp thiết” – đại diện Công ty cổ phần icheck lưu ý.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ cũng đối mặt không ít trở ngại, bởi hầu hết nông dân Việt Nam đều lớn tuổi, ít tiếp cận công nghệ và khó thay đổi thói quen canh tác. Đây cũng là một thách thức đối với các đối tác tài chính (tổ chức tín dụng, nhà đầu tư) để hỗ trợ nông dân và nhà phân phối vốn lưu động và các khoản vay. Do đó, việc thiết kế các sản phẩm công nghệ phải thực sự đơn giản và kết hợp với các cấp chính quyền địa phương, thực tiễn địa bàn để đưa công nghệ đến gần hơn với người sản xuất.

Cùng chuyên mục
Để nông sản Việt tự tin cạnh tranh, tăng trưởng bền vững