Hóa giải nghịch lý ngân hàng thừa tiền - doanh nghiệp vẫn khó vay - Bài 1: Vì sao ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay?

(BKTO) - Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, các ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn khó vay vốn, vì sao?

z4475873356862_ad64f3e2dd62cbc5d1d74a16c43672a9.jpg
DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay. Ảnh minh họa

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp khắc phục tình trạng tín dụng tăng thấp những tháng đầu năm. NHNN liên tục hối thúc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng. Nhiều nhà băng “tung” các gói vay ưu đãi. Nhân viên ngân hàng đến tận DN để mời chào vay vốn. Chưa bao giờ trọng trách đẩy vốn ra nền kinh tế lại “nóng bỏng” và cấp bách như thời điểm này…

Bài 1: Vì sao ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay?

Ngân hàng thừa tiền

Một trong những mục tiêu quan trọng của điều hành chính sách tiền tệ nói chung và điều hành tín dụng nói riêng là hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã tổ chức Hội nghị tín dụng bất động sản, tiếp đó là một loạt hội nghị về tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực… Ngành ngân hàng cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các DN đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng - DN.

Từ sự cầu thị, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của DN, ngay sau đó không lâu, NHNN liên tiếp ban hành các thông tư, chỉ thị liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, tăng cường công tác tín dụng... Ở một số địa phương, đã có những văn bản triển khai tuyên truyền cơ chế, chính sách hỗ trợ được lan tỏa trong cộng đồng DN. Từ tháng 3 đến tháng 6/2023, NHNN cũng đã điều chỉnh liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2%/năm, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ DN.

Ngân hàng huy động được nguồn vốn dồi dào nhưng không cho vay được, vấn đề này cần xem xét cả hai đầu cung và cầu. Về phía cung, Chính phủ đã kích cầu bằng việc giảm lãi suất. Vấn đề quan trọng hiện nay là ở phía cầu, nếu DN không có nhu cầu vay vốn thì ngân hàng nới lỏng điều kiện, họ cũng không vay. Vì vậy, để kích cầu, trước hết, phải tìm được đầu ra cho DN, giúp DN mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc đa dạng hóa thị trường, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại... Thứ hai là các vấn đề về pháp lý cũng như việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được thực thi mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời đẩy nhanh đầu tư công.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế

Nếu nhìn vào những động thái trên, có thể thấy, đúng như khẳng định của Phó Thống đốc NNHN Đào Minh Tú: “NHNN đã “quần quật” điều hành, “lăn lộn”, đồng hành với DN trong những tháng qua” với mong muốn đẩy vốn ra nền kinh tế. Thế nhưng, đến ngày 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022. Con số này chưa được bằng 1/4 chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm.

Theo tính toán, các ngân hàng thương mại nhà nước mới chỉ tăng trưởng tín dụng được khoảng 33-35% so với chỉ tiêu được giao, còn các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng mới chỉ đạt khoảng 50%. Như vậy, hạn mức cho vay của các ngân hàng đang còn nhiều. Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng thừa nhận thanh khoản của tổ chức tín dụng khá dồi dào. Điều này đồng nghĩa vốn cung ứng cho nền kinh tế không thiếu, các dự án, DN, lĩnh vực cần vốn mà đảm bảo khả năng trả nợ đều dễ dàng vay vốn.

Doanh nghiệp vẫn khó vay

Chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán, không ít DN đều có chung cảm nhận: Nếu năm 2022, khi gửi hồ sơ vay vốn, kể cả đáp ứng đầy đủ các điều kiện, DN phải chờ cả tháng mà vẫn chưa đến lượt, còn năm nay, nhân viên ngân hàng đến tận nơi để mời vay vốn. Thế nhưng, DN vẫn chưa mặn mà, vì sao?

Theo chị Hải Yến - phụ trách kinh doanh của một DN bất động sản lớn, một trong những nguyên nhân khiến DN khó vay vốn từ ngân hàng là các điều kiện cho vay đã chặt chẽ hơn cả ở phía người mua và chủ đầu tư. Trước đây, khách hàng mới chớm nợ xấu thì ngân hàng vẫn có thể xem xét cho vay nhưng hiện nay, điều kiện vay vốn đối với khách hàng đã chặt chẽ hơn nhiều. Với các dự án, trước đây, ngân hàng vẫn giải ngân cho những trường hợp chưa đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán mà mới chỉ ký văn bản thỏa thuận, đặt cọc. Nhưng hiện tại, điều này đã không còn được phép, các dự án phải đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán với khách hàng mới giải ngân được. Ví dụ, chung cư cao tầng thì nghiệm thu móng cọc đầy đủ mới được cấp giấy phép xây dựng và vay ngân hàng.

Đồng cảm với các DN nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa - cho rằng, điều kiện vay vốn vẫn cao hơn so với khả năng của những DN này. Lý giải nguyên nhân khiến điều kiện vay vốn chặt chẽ hơn, Nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Thương mại cho biết: Nền kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái, tiêu dùng giảm, sản xuất cầm chừng, xuất nhập khẩu gặp khó. Các DN muốn vay vốn đa phần là để hoàn trả nợ cũ. Điều này có thể gây ra rủi ro nợ xấu nên các ngân hàng buộc phải siết chặt quy trình cho vay, đưa ra các điều kiện khắt khe hơn đối với các đối tượng có nhu cầu vốn. Đây cũng là lý do khiến DN khó tiếp cận tín dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - cũng nhận thấy, nền kinh tế đang trì trệ, rủi ro kinh doanh tăng lên, thanh khoản của các DN suy yếu. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng muốn cho vay đối với những khách hàng mà họ tin tưởng và những khách hàng có thanh khoản tốt. Còn với những khách hàng, nhất là DN nhỏ và vừa, ngân hàng rất quan ngại vấn đề nợ xấu. Rủi ro của nền kinh tế, rủi ro kinh doanh khiến các ngân hàng thận trọng hơn trong cho vay.

Các gói hỗ trợ DN chủ yếu vướng mắc ở cơ chế, điều kiện tiếp cận hỗ trợ, vay vốn. Do vậy, rào cản này cần được tháo gỡ từ phía Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành. Ví dụ, cải cách thủ tục hành chính đã thực hiện nhưng cần làm tốt hơn nữa để việc triển khai dự án được đẩy nhanh, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công và bất động sản. Khi đó, nhu cầu vốn của DN sẽ cao hơn. Không chỉ DN lớn, DN nhỏ và vừa cũng nên được xem xét, tạo điều kiện tham gia đấu thầu bởi lực lượng này chiếm 97% DN cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chính bởi nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn trì trệ nên nhiều DN không có đơn đặt hàng hoặc là đơn đặt hàng bị giảm, kinh doanh thua lỗ. Vì thế, DN không có nhu cầu vay. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng: Nhu cầu vay vốn không nhiều như trước đây do kinh tế thế giới khó khăn nên việc cung ứng đầu ra cũng như sản xuất để xuất khẩu của DN rất hạn chế.

Bản thân DN cũng thừa nhận họ rất khó khăn. “Năm nay, số lượng hợp đồng của DN chúng tôi bị cắt giảm 50% so với năm ngoái, lãi suất thì vẫn cao trong khi vật tư, nhân công, máy móc, thiết bị đều tăng. Do đó, DN đắn đo khi vay vốn, càng hạn chế vay càng tốt vì làm không đủ trả lãi ngân hàng và lương cho công nhân”, chị Quỳnh Hương - chủ một DN chuyên về thi công hạ tầng ở TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ.

Cũng liên quan đến lãi suất, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay không giảm nhiều như lãi suất huy động. Với lãi suất cao, chi phí tài chính rất nặng cho các DN”. Theo Nhóm nghiên cứu của Đại học Thương mại, do các ngân hàng đã phải huy động một lượng lớn vốn với lãi suất cao nên lãi suất cho vay chưa giảm nhanh như kỳ vọng. Điều này khiến các DN có đòn bẩy tài chính cao gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn vẫn đang bủa vây các DN. Ngay lúc này, DN cần được “trợ lực, tiếp sức” để vượt qua thách thức…/.

Còn tiếp...

Cùng chuyên mục
Hóa giải nghịch lý ngân hàng thừa tiền - doanh nghiệp vẫn khó vay - Bài 1: Vì sao ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay?