Indonesia: Chú trọng công tác kiểm toán quản lý chất thải

(BKTO) - Indonesia luôn coi việc xác định chất thải dựa trên các rủi ro liên quan đến môi trường và con người là yếu tố quan trọng để đưa ra phương pháp quản lý chất thải hiệu quả. Ủy ban Kiểm toán (BPK) Indonesia cũng rất chú trọng đến công tác kiểm toán quản lý chất thải và đã thu được nhiều kinh nghiệm quý.

Thực hiện nhiều cuộc kiểm toán quản lý chất thải

Năm năm qua, BPK đã thực hiện một số cuộc kiểm toán về quản lý chất thải như: Kiểm toán công tác kiểm soát và quản lý ô nhiễm đầu nguồn lưu vực sông Citarum (một trong những con sông quan trọng nhất Indonesia) năm 2018; kiểm toán công tác quản lý chất thải nguy hại năm 2020 và kiểm toán công tác quản lý chất thải rắn đô thị tại các địa phương năm 2022.

9.jpg
Công tác quản lý chất thải ngày càng được quan tâm hơn tại Indonesia. Ảnh: ST

Nội dung cuộc kiểm toán về kiểm soát và quản lý ô nhiễm đầu nguồn lưu vực sông Citarum gồm: Các khía cạnh quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn đô thị, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và chất thải từ hoạt động thủy sản.

Cuộc kiểm toán về quản lý chất thải nguy hại nhằm đánh giá những nỗ lực của Chính phủ trong việc quản lý chất thải nguy hại từ các nguồn công nghiệp và y tế, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi nhu cầu khám, chữa bệnh gia tăng đột biến khiến lượng chất thải y tế tăng theo. Cuộc kiểm toán về quản lý chất thải rắn đô thị cũng là một cuộc kiểm toán chuyên đề được thực hiện đối với 20 chính quyền địa phương khắp các tỉnh ở Indonesia. BPK đã sử dụng các phương pháp như: Phỏng vấn, xem xét tài liệu, tham quan thực địa; đồng thời, tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm để phân tích nước thải công nghiệp và sinh hoạt thải ra sông nhằm xác định tiêu chuẩn chất lượng nước thải.

Nhiều chuyên gia đã hỗ trợ BPK để đưa ra ý kiến về tác động của các chính sách hoặc chương trình trong việc quản lý chất thải, góp phần nâng cao độ tin cậy của các phát hiện kiểm toán cũng như trả lời các câu hỏi kiểm toán. BPK tiến hành phân tích cơ sở dữ liệu để xác định các nguồn gây ô nhiễm. Ở chính quyền trung ương, cơ sở dữ liệu đã được thiết lập, tuy nhiên, ở cấp chính quyền địa phương, đây là một thách thức vì dữ liệu thường không có sẵn.

Kiểm toán viên cũng tiến hành khảo sát các bên liên quan về các quy trình, hoạt động, mức độ phù hợp, hiệu quả và hiệu lực của các chương trình liên quan đến quản lý chất thải. Đây là một trong những công cụ quan trọng để thu thập phản hồi và quan điểm về chính sách hoặc chương trình từ các bên liên quan.

Kiểm toán chỉ ra các lĩnh vực cần cải thiện

BPK đã chỉ ra những lĩnh vực cần cải tiến được phát hiện từ cuộc kiểm toán về kiểm soát ô nhiễm đầu nguồn lưu vực sông Citarum. Có 4 loại chất thải đã được xem xét kỹ lưỡng, gồm: Chất thải thủy sản, công nghiệp, chăn nuôi và sinh hoạt.

Đối với chất thải chăn nuôi, thủy sản và công nghiệp, BPK thấy rằng, cơ sở dữ liệu cho ngành không đáng tin cậy và chưa được thiết lập đúng cách. BPK kiến nghị thiết lập cơ sở dữ liệu công nghiệp cập nhật và đáng tin cậy. Với chất thải chăn nuôi, thủy sản và công nghiệp, hệ thống giám sát và cấp phép không đầy đủ. Các kiến nghị bao gồm: Tăng cường các tiêu chuẩn chất lượng và cấp phép, khuyến khích các ngành công nghiệp hiệu quả hơn trong các hoạt động sản xuất và tái chế nước thải, tối ưu hóa việc giám sát.

Liên quan đến việc quản lý chất thải nguy hại từ ngành công nghiệp, BPK cũng xác định một số điểm cần cải thiện. Cơ sở dữ liệu về nguồn thải công nghiệp chưa phù hợp, làm phức tạp quá trình giám sát; giám sát quản lý chất thải chưa được thực hiện đầy đủ do thiếu nhân lực; hệ thống giám sát tích hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương chưa được thiết lập.

Công tác quản lý chất thải y tế thiếu dữ liệu hợp lệ, thiếu sự giám sát và sự phối hợp không đầy đủ với một số bên liên quan. Do đó, BPK kiến nghị Chính phủ hợp tác với các bên liên quan trong việc xác định, kiểm kê chất thải y tế và giám sát việc quản lý.

BPK đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, đánh giá hệ thống phân cấp quản lý chất thải. Đây là một hệ thống xếp hạng đơn giản được sử dụng cho các phương án quản lý chất thải để tìm phương án tốt nhất cho môi trường, được một số quốc gia áp dụng và có thể được dùng làm tiêu chí kiểm toán. 

Đối với quản lý chất thải rắn, có sự không thống nhất giữa chính sách và chiến lược quản lý chất thải ở cấp chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; các nguồn lực cần thiết để thực hiện chính sách không dựa trên phân tích nhu cầu rõ ràng; các hoạt động truyền thông, giáo dục về chất thải chưa đầy đủ...

BPK đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ các cuộc kiểm toán quản lý chất thải. Theo đó, việc sử dụng chuyên gia trong từng giai đoạn kiểm toán là rất có lợi để tạo ra kết quả kiểm toán chất lượng cao. Do cuộc kiểm toán có sự tham gia của nhiều bên liên quan nên điều quan trọng là phải cải thiện sự phối hợp liên ngành trong từng giai đoạn của cuộc kiểm toán.

Ngoài ra, để thu thập và phân tích một lượng lớn dữ liệu, việc sử dụng công nghệ là rất quan trọng. Chẳng hạn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, việc sử dụng công nghệ để thực hiện kiểm toán từ xa là rất có lợi, đặc biệt với các cuộc kiểm toán quản lý chất thải./.

Cùng chuyên mục
Indonesia: Chú trọng công tác kiểm toán quản lý chất thải