Luôn tạo được giá trị gia tăng đối với báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương

THÙY ANH (thực hiện) | 24/02/2023 15:27

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, ông Đoàn Chiến Thắng – Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XI cho biết: Năm 2023, KTNN khu vực XI kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 4/4 tỉnh. Một trong những yêu cầu quan trọng mà lãnh đạo KTNN khu vực XI đặt ra là phải luôn tạo được giá trị gia tăng sau các cuộc kiểm toán này.

doan-chien-thang.jpg
Ông Đoàn Chiến Thắng – Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI: Năm 2023, KTNN khu vực XI kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 4/4 tỉnh thuộc địa bàn kiểm toán theo đúng lộ trình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội  quyết  nghị và Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023 - 2025 của KTNN. Ảnh: Thùy Anh

Thưa ông! Được biết, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Xin ông cho biết KTNN khu vực XI đã triển khai kiểm toán đối với lĩnh vực này như thế nào thời gian qua?

Năm 2022, KTNN khu vực XI thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2021 đối với tỉnh Thanh Hóa và Nam Định. Việc thực hiện kiểm toán được tổ chức theo phương thức lồng ghép.

Tuy nhiên, do Đề cương hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương về cơ bản có mục tiêu, phạm vi, nội dung tương đồng với việc kiểm toán ngân sách địa phương nên kết quả kiểm toán khó phân biệt rạch ròi nội dung nào thuộc kiểm toán ngân sách địa phương hay kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.

Qua 2 cuộc kiểm toán này, KTNN khu vực XI đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 916.889 tỷ đồng (Thanh Hóa 694.586 tỷ đồng, Nam Định hơn 222.792 tỷ đồng). Trong đó, tăng thu, thu hồi, giảm chi ngân sách hơn 893.447 tỷ đồng, giảm lỗ đối với các doanh nghiệp được đối chiếu hơn 23.441,9 tỷ đồng. Ngoài ra còn xử lý khác 24,3 tỷ đồng.

Bên cạnh việc kiến nghị xử lý tài chính, 2 cuộc kiểm toán nói trên còn đánh giá, kết luận và kiến nghị khắc phục một số hạn chế trong công tác quản lý tài chính, ngân sách của địa phương từ khâu lập dự toán, thực hiện dự toán đến khâu tổng hợp lập báo cáo quyết toán ngân sách, từ đó giúp hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương và thực hiện giám sát theo quy định của pháp luật.

Theo lộ trình, khi nào KTNN khu vực XI sẽ kiểm toán hằng năm đối với báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại các tỉnh thuộc địa bàn kiểm toán của đơn vị?

Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt, KTNN khu vực XI được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của cả 4 tỉnh, đạt 100% số tỉnh được kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương thuộc địa bàn KTNN khu vực XI quản lý, đó là: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình.

Phải thông tin thêm rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030). Theo đó, KTNN phấn đấu giai đoạn 2026-2030 thực hiện kiểm toán thường xuyên hằng năm đối với quyết toán ngân sách nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để cụ thể hóa Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025. Theo đó, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương hằng năm để phục vụ hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quyết toán đạt tối thiểu 80% số địa phương cấp tỉnh.

Như vậy, KTNN khu vực XI đã thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương theo lộ trình như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị và Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025 của KTNN.

Ông Đoàn Chiến Thắng - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI: Đảng ủy, lãnh đạo KTNN khu vực XI coi việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương hằng năm là nhiệm vụ trọng tâm; quán triệt đến từng kiểm toán viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, đổi mới tư duy, sáng tạo và phải luôn tạo được giá trị gia tăng đối với báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương sau mỗi cuộc kiểm toán.

Hiện nay, trong Ngành, việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương còn những quan điểm khác nhau. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Từ năm 2021, KTNN đã thực hiện thí điểm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại Lai Châu và Quảng Ngãi. Ngày 11/5/2022, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 682/QĐ-KTNN về Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, trong Ngành, hiện nay,  việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương còn có những quan điểm khác nhau về  cách tiếp cận kiểm toán, mục tiêu, phạm vi và phương thức tổ chức triển khai đoàn kiểm toán...

Theo tôi, đây là một việc hết sức bình thường, vì nhận thức là một quá trình, việc có quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề sẽ là cách thức phản biện khá hiệu quả để chúng ta vừa tiếp cận, vừa thực hiện, vừa tiếp tục nghiên cứu và từng bước hoàn thiện.

Với riêng KTNN khu vực XI, trong quá trình kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, đơn vị còn băn khoăn về vấn đề gì?

Khi thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, bên cạnh những thuận lợi, KTNN khu vực XI cũng gặp một số khó khăn như kinh nghiệm và trình độ của kiểm toán viên về kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương chưa cao; kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương chủ yếu là kiểm toán tổng hợp, đây là một thách thức với không ít kiểm toán viên.

Để đánh giá, nhận xét, kết luận và kiến nghị về những nội dung trong báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, kiểm toán viên phải đọc được báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và có kiến thức vĩ mô về tài chính - ngân sách. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng kiểm toán viên này không nhiều.

Để KTNN thực hiện được mục tiêu của Kế hoạch kiểm toán trung hạn, giai đoạn 2023-2025, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương hằng năm đạt tối thiểu 80% số địa phương cấp tỉnh. Theo ông, KTNN nói chung và KTNN khu vực XI nói riêng làm gì để góp phần thực hiện được mục tiêu này?

Nhằm góp phần thực hiện được mục tiêu chung nói trên của KTNN, KTNN khu vực XI sẽ thực hiện nghiêm kế hoạch kiểm toán hằng năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn đã được Tổng Kiểm toán nhà nước giao; tập trung lực lượng, sự quan tâm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Đảng ủy, lãnh đạo KTNN khu vực XI sẽ quán triệt đến từng kiểm toán viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, đổi mới tư duy, sáng tạo và phải luôn tạo được giá trị gia tăng đối với báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương sau mỗi cuộc kiểm toán.

Nhiệm vụ trước mắt đối với KTNN khu vực XI là hoàn thành kế hoạch kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán nhà nước giao năm 2023 theo Đề cương hướng dẫn, các chuẩn mực, quy trình về kiểm toán báo cáo tài chính đã được ban hành.

Để hoàn thành kế hoạch kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, KTNN khu vực XI đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước quan tâm, chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện quy trình, chuẩn mực, hướng dẫn, đề cương về kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; tăng cường công tác đào tạo, trao đổi kinh nghiệm./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Luôn tạo được giá trị gia tăng đối với báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương