Nam Định: Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư

(BKTO) - Việc đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

nam-dinh-1.jpg
Lãnh đạo tỉnh Nam Định thăm Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh.
Ảnh: TS

Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả quan trọng

Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết 04), đến nay, tỉnh đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tạo ra sự thay đổi lớn trong đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh Nam Định vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, thuộc nhóm các tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất cả nước, GRDP năm 2021 tăng 7,9%, năm 2022 tăng 9,07%, 6 tháng đầu năm 2023 tăng 8,5%; thu hút đầu tư sớm hoàn thành vượt mục tiêu của Nghị quyết 04 với số vốn đăng ký khoảng 115.000 tỷ đồng.

Công tác CCHC có sự chuyển biến rất tích cực và rõ nét, Nam Định xếp thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến. Kết quả: chỉ số CCHC của tỉnh năm 2021 đạt 86,40 điểm, xếp thứ 40/63 tỉnh, tăng 3,83 điểm và 7 bậc so với năm 2020. Năm 2022 đạt 84,86 điểm, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố, tăng 2,29 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2021.

Những kết quả đạt được trong công tác CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư tạo tiền đề và động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định Lê Quốc Chỉnh

Một số tiêu chí và lĩnh vực CCHC của tỉnh đạt được kết quả tốt, như: Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số xếp thứ 07/63; Tổ chức bộ máy xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; Hiện đại hóa hành chính xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố.

Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 đạt 64,99 điểm, đứng thứ 24/63 trong cả nước, tăng 1,89 điểm và tăng 16 bậc so với năm 2020. Năm 2022 đạt 65,29 điểm, đứng thứ 31/63 trong cả nước, tăng 0,3 điểm và giảm 7 bậc so với năm 2021. Một số chỉ số thành phần đạt được kết quả tốt, như: Chỉ số Tiếp cận đất đai xếp thứ 8/63; Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự xếp thứ 3/63; Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố...

Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Việc đẩy mạnh CCHC, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, Nam Định đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế. Theo thống kê, từ năm 2021 đến hết tháng 5/2023, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 156 dự án với tổng số vốn đăng ký và bổ sung khoảng 115.000 tỷ đồng. Trong đó: Cấp mới cho 108 dự án (14 dự án FDI và 94 dự án đầu tư trong nước), điều chỉnh tăng vốn cho 48 dự án (17 dự án FDI và 31 dự án đầu tư trong nước). Tổng vốn đầu tư đăng ký đã đạt và vượt mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong nước của cả giai đoạn 2021-2025.

nam-dinh-2-.jpg
Lãnh đạo tỉnh Nam Định chứng kiến Lễ ký kết phát triển dự án giữa Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong và Tập đoàn JiaWei; biên bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Đại Phong và Công ty Thiên Hà. Ảnh: TS.

Trong đó có các dự án lớn, trọng điểm, như: 03 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư là 98.900 tỷ đồng; dự án sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính của nhà đầu tư Quanta với tổng mức đầu tư 120 triệu USD. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định - ông Lê Quốc Chỉnh - công tác CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư đã được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 04, ông Lê Quốc Chỉnh cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Nam Định phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số CCHC thuộc nhóm đầu các tỉnh đạt điểm khá trở lên. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, phấn đấu cơ bản lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã đầu tư hạ tầng.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc hoàn thiện thủ tục để khởi công đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng tại huyện Vụ Bản, Khu công nghiệp Trung Thành tại huyện Ý Yên và một số cụm công nghiệp. Đồng thời, triển khai lập thủ tục đầu tư một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, nhất là Khu công nghiệp Hải Long tại huyện Giao Thủy theo thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP).

nam-dinh-2.jpg
Sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Ramatex Nam Định trong Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản. Ảnh: TS

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Nam Định đã đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, thực hiện nghiêm Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 25/4/2017 của UBND tỉnh về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước về thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Hoàn thành hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt và triển khai Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; xây dựng Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị mới Đại Đồng, huyện Giao Thủy; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng chung đô thị các thị trấn đến năm 2030; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Mặt khác, tỉnh Nam Định cũng sẽ thực hiện tốt Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố lòng tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa trong thu hút đầu tư.../.

Tỉnh Nam Định thống nhất quan điểm trong thu hút đầu tư là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, nộp ngân sách lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đồng thời, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Cùng chuyên mục
Nam Định: Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư