Nghiên cứu xây dựng Hướng dẫn Kiểm toán môi trường cho từng lĩnh vực cụ thể

(BKTO) - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ - Chủ tịch Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) - đã nhấn mạnh đề xuất này tại buổi nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Giải pháp nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán môi trường của KTNN”, sáng 29/12, tại Hà Nội.

1(4).jpg
Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: HỒNG NHUNG

Đề tài do ThS. Đỗ Công Thức (KTNN khu vực I) và ThS. Nguyễn Thị Kiều Thu (KTNN chuyên ngành III) đồng chủ nhiệm.

Theo Ban Đề tài, nhận thức được tầm quan trọng của môi trường, bên cạnh nhiều hoạt động để bảo vệ môi trường, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành các cuộc kiểm toán môi trường (KTMT) do các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thực hiện.

KTMT là khái niệm khá mới ở Việt Nam nói chung và cơ quan KTNN Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường đã được đề cập nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật và đặc biệt khoản 7, Điều 6, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định: “Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường; thực hiện KTMT; tín dụng xanh; đầu tư xanh”. Điều này cho thấy, KTMT là yêu cầu cần thiết đặt ra cho hoạt động kiểm toán nói chung và hoạt động kiểm toán của KTNN nói riêng.

Tháng 10/2015, KTNN đã thành lập Phòng KTMT trực thuộc Vụ Hợp tác quốc tế và bổ sung chức năng, nhiệm vụ KTMT cho Vụ Hợp tác quốc tế để triển khai nghiên cứu kinh nghiệm của các SAIs trong lĩnh vực KTMT, từng bước triển khai áp dụng tại KTNN.

2(3).jpg
Đại diện Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: HỒNG NHUNG

Năm 2018, để tăng cường hoạt động KTMT, Phòng KTMT và chức năng KTMT đã được chuyển về KTNN chuyên ngành III. Các cuộc KTMT đã bắt đầu được KTNN tổ chức thực hiện.

Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, số lượng cuộc kiểm toán chưa nhiều, nội dung, chủ đề kiểm toán còn ít so với yêu cầu thực tiễn và chủ yếu do đơn vị có Phòng KTMT thực hiện.

Trong khi đó, rất nhiều vấn đề môi trường diễn ra tại các địa phương cũng như mọi lĩnh vực, ngành nghề và vô cùng đa dạng nhưng đến thời điểm hiện tại, các KTNN chuyên ngành còn lại và các KTNN khu vực của KTNN chỉ mới tổ chức rất ít cuộc kiểm toán có liên quan đến môi trường.

Xét trên khía cạnh chất lượng, các cuộc KTMT đã chỉ ra những bất cập về công tác bảo vệ môi trường như: Cơ chế, chính sách quản lý việc sử dụng bao bì nylon, vấn đề thu gom, xử lý rác thải ở đô thị…

Song, để thực hiện KTMT vì sự phát triển bền vững theo “Tuyên bố Hà Nội” tại Đại hội ASOSAI XIV, các cuộc KTMT của KTNN, nhất là tại các KTNN chuyên ngành khác (ngoài KTNN chuyên ngành III) và KTNN khu vực phải ngày càng được tổ chức nhiều hơn, với chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Xuất phát từ thực tế trên, việc nghiên cứu Đề tài có giá trị thực tiễn khi đề xuất những giải pháp có hiệu quả để tổ chức nhiều hơn, có chất lượng và hiệu quả hơn các cuộc KTMT, góp phần làm cho KTMT đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1: Những vấn đề chung về môi trường, KTMT; Chương 2: Thực trạng công tác bảo vệ môi trường và KTMT do KTNN thực hiện; Chương 3: Giải pháp nâng cao chất lượng các cuộc KTMT do KTNN thực hiện.

3(3).jpg
Thành viên Hội đồng nghiệm thu góp ý với Ban Đề tài. Ảnh: HỒNG NHUNG

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao. Ban Chủ nhiệm Đề tài đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong nghiên cứu, tìm hiểu để thực hiện Đề tài.

Để Đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài xem xét, bổ sung cơ sở lý luận về chất lượng KTMT, tiêu chí đánh giá, hình thức KTMT (độc lập, lồng ghép), hoạt động tiền kiểm, nội dung về tổ chức, kỹ thuật chuyên môn… trên cơ sở đó đánh giá thực trạng và kiến nghị các nhóm giải pháp phù hợp.

Ở phần thực trạng, cần bổ sung thông tin khái quát/tổng quan về các cuộc KTMT mà KTNN đã thực hiện thời gian qua như: Số lượng, chủ đề, hình thức kiểm toán (độc lập/lồng ghép), kết quả chủ yếu… Đồng thời, cần phân loại các hạn chế theo các tiêu chí như: Phạm vi kiểm toán; công tác lập kế hoạch (trung, dài hạn và hằng năm); nguồn nhân lực; hệ thống hướng dẫn kiểm toán; kỹ thuật, công nghệ…

Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung bài học kinh nghiệm chính rút ra từ kinh nghiệm quốc tế như: Cách tiếp cận, đối tượng kiểm toán, chủ đề kiểm toán, việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm toán, phương pháp cũng như vấn đề trọng yếu khi thực hiện KTMT.

Đặc biệt, phần giải pháp ở Chương 3 cần cụ thể hơn nữa cũng như phải gắn với những hạn chế đã nêu ở Chương 2. Trong đó, cần đề xuất hướng hoàn thiện cụ thể hoặc xây dựng các nội dung cụ thể cần hoàn thiện trong Hướng dẫn KTMT. Ngoài ra, cân nhắc bổ sung nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, năng lực chuyên môn kiểm toán viên.

Kết luận buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên trong Hội đồng để hoàn thiện Đề tài; đồng thời lưu ý phần giải pháp cần cụ thể, khả thi, gắn với thực tiễn KTMT của KTNN.

Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã gợi mở, đề xuất Ban Đề tài nghiên cứu xây dựng Hướng dẫn KTMT cho từng lĩnh vực môi trường cụ thể như rác thải, nước thải… chứ không chỉ là hướng dẫn chung chung về KTMT.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.

Cùng chuyên mục
Nghiên cứu xây dựng Hướng dẫn Kiểm toán môi trường cho từng lĩnh vực cụ thể