Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch trên kênh số

(BKTO) - Cùng với việc đẩy mạnh giao dịch trên kênh số của các ngân hàng, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt hơn 90%. Tuy vậy, ngành ngân hàng vẫn đang đứng trước những thách thức trong chuyển đổi số…



                
   

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: NHNN

   

Ngành ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia

Tại Diễn đàn cấp cao: “Ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức chiều 11/10, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu, từ công tác kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn và được đánh giá là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia.

Cụ thể, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số, nhiều ngân hàng Việt Nam có hơn 90% giao dịch trên kênh số. Các công nghệ phổ biến của Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu lớn… đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý.

Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt hơn 90%, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số. Ngành ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân.

Hoàn thiện khung pháp lý, kết nối các cơ sở dữ liệu

Tuy vậy, theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, ngành ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi đến từ khắp nơi trên thế giới. Điều đó đặt ra cho ngành ngân hàng phải chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình cụ thể.

Để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN kiến nghị cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... để hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC), qua đó tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng.

Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử 2005 cần được sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho các Bộ, ngành thực hiện chuyển đổi số, tạo thuận lợi và tăng cường lòng tin đối với giao dịch điện tử./.
         
Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về chuyển đổi số ngân hàng năm 2022 (Smart Banking 2022), Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Cục Công nghệ thông tin, NHNN tổ chức Diễn tập chủ động phòng thủ không gian mạng - DF Cyber Defense. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất về phòng chống tấn công mạng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính tại Việt Nam.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch trên kênh số