Thiếu vốn, ngành nông nghiệp đứng trước nguy cơ giảm tốc giải ngân đầu tư công

(BKTO) - Trước nguy cơ thiếu vốn để triển khai các dự án đầu tư công theo kế hoạch đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung vốn từ ngân sách; đồng thời chú trọng công tác giải ngân nguồn vốn hiện có được kịp thời, đảm bảo theo đúng tiến độ, quy định hiện hành.

15.jpg
Gỡ vướng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: N.LỘC

Nguy cơ đình trệ vì thiếu vốn

Theo Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NNPTNT), năm 2024, ngành NNPTNT được giao vốn đầu tư công là 9.935,4 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 8.421,2 tỷ đồng, vốn vay ODA là 1.514,4 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 02/2024, Bộ NNPTNT đã giải ngân vốn đầu tư công được hơn 830 tỷ đồng, đạt khoảng 8,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kế hoạch triển khai dự án đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp đang vấp phải trở ngại, đó là vấn đề thiếu vốn tại hầu hết các dự án do Bộ quản lý. Nhiều chủ đầu tư bày tỏ lo ngại khi dự án đang triển khai thuận lợi nhưng đứng trước nguy cơ phải tạm dừng do thiếu vốn. Các ý kiến cho rằng, đặc thù dự án của ngành nông nghiệp khác với các ngành khác là phải căn cứ vào kế hoạch sản xuất mùa vụ để thi công. Trong khi quý II là thời điểm thích hợp để giải ngân vốn, nếu để lỡ sẽ khó đảm bảo được mục tiêu đề ra.

Các đơn vị chức năng thuộc Bộ NNPTNT cũng sẽ yêu cầu các đơn vị có liên quan, các chủ đầu tư phối hợp với đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, cơ quan kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện triển khai dự án để nâng cao khả năng giám sát nhằm phát hiện tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh, giúp nâng cao hiệu quả thực hiện dự án.

Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NNPTNT) Nguyễn Hải Thanh

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng công trình đánh giá, năm 2024 là mốc quan trọng để hoàn thành các khối lượng cơ bản của từng dự án, đặc biệt là các công trình đòi hỏi yếu tố kỹ thuật thi công trong 2 năm (đập đất, trạm bơm…). Tuy nhiên, số vốn kế hoạch năm 2024 được giao như hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu. Do đó, Bộ NNPTNT cần sớm có vốn trong quý II/2024 để kịp thời triển khai dự án đáp ứng yêu cầu tiến độ...

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp tiếp tục chứng tỏ là trụ đỡ của nền kinh tế, bất chấp tình hình khó khăn chung, tuy nhiên, nguồn lực đầu tư công phân bổ cho ngành còn thấp và chưa kịp thời là bất cập cần sớm được tháo gỡ. Trao đổi với Báo Kiểm toán, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết, Bộ NNPTNT đã có văn bản đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024, với số vốn là hơn 5.000 tỷ đồng (vốn trong nước), tuy nhiên về thời gian bổ sung vốn cũng phải cuối quý II/2024. Cùng với việc đề xuất bổ sung vốn trong nước, Bộ NNPTNT cũng đề xuất trả lại số vốn nước ngoài chưa phân bổ (khoảng 819,14 tỷ đồng), do không có khả năng giải ngân. “Các văn bản này đã được Bộ gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 2 vừa qua” - ông Việt thông tin.

Do phụ thuộc vào kế hoạch cấp bổ sung vốn, nên Bộ sẽ tiếp tục có đánh giá, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án một cách hợp lý. Đối với những dự án đang triển khai và khả năng giải ngân tốt, Bộ sẽ tập trung bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án. Với các dự án chưa được phê duyệt, Bộ sẽ xem xét dừng thực hiện để chuyển sang kế hoạch năm 2025.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) Nguyễn Văn Việt

Đảm bảo tiến độ, đi đôi với chất lượng giải ngân

Năm 2024, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục triển khai 298 dự án, dự án thành phần sử dụng vốn trong nước. Cụ thể, các dự án chuyển tiếp có 6 dự án, gồm 4 dự án được giao vốn là: Hồ Cánh Tạng, Hòa Bình; hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi giai đoạn 2; hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu; hồ Bản Mồng, Nghệ An và 2 dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn từ đầu năm cần hoàn thiện thủ tục là: Hồ chứa nước Sông Chò 1, Khánh Hòa; hồ Krông Pách Thượng, Đắk Lắk.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Nguyễn Hải Thanh, trong thời gian chờ được cấp vốn bổ sung, Cục sẽ tiếp tục theo sát, đôn đốc quyết liệt các chủ đầu tư triển khai thi công để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đối với những dự án đang triển khai và đảm bảo vốn theo kế hoạch, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia. “Các đơn vị được giao đầu mối quản lý dự án, các chủ đầu tư đôn đốc quyết liệt các đơn vị thi công để đến ngày 31/3/2024 giải ngân đạt tối thiểu 30% kế hoạch được giao” - lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết.

Đối với dự án đã phê duyệt chủ trương, Cục sẽ phối hợp với các chủ đầu tư tập trung tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế kỹ thuật, sớm khởi công dự án. Trong quá trình triển khai, đơn vị tổ chức kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý chất lượng ngay từ đầu, nhất là khâu chuẩn bị kỹ thuật dự án để hạn chế tối đa phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.  

Liên quan đến vấn đề quản lý dự án, ông Nguyễn Hải Thanh cho biết, một trong những vấn đề được lãnh đạo Bộ NNPTNT lưu ý và chỉ đạo quyết liệt, đó là chấn chỉnh các nhà thầu không đủ năng lực, đồng thời có biện pháp xử lý đối với nhà thầu vi phạm chất lượng, tiến độ. Bên cạnh đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công từng bước được tăng cường. Song song với đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ NNPTNT cũng sẽ yêu cầu các đơn vị có liên quan, các chủ đầu tư phối hợp với đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, cơ quan kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện triển khai dự án để nâng cao khả năng giám sát nhằm phát hiện tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh, giúp nâng cao hiệu quả thực hiện dự án.

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc đảm bảo cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đến việc đảm bảo sản xuất, thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Do đó, các đơn vị chức năng phải bám sát thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ dự án, cũng như tránh để xảy ra sai sót./.

Cùng chuyên mục
  • Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, rào cản bắt nguồn từ những vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, quy định pháp luật là một trong những “lực cản” có thể bào mòn “sức khỏe” và làm giảm niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh nhằm khơi thông các động lực phát triển cho DN.
  • Khắc phục hạn chế, đổi mới công tác cổ phần hóa, thoái vốn
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, 2 tháng đầu năm 2024, không phát sinh doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa và hoạt động thoái vốn tại DN. Bộ Tài chính đề xuất giải pháp căn cơ hơn để việc cổ phần hóa và thoái vốn thay đổi tích cực hơn.
  • Sửa luật để hoàn thiện quy định về thuế giá trị gia tăng
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo đó, Bộ đề xuất thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa; sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung nhiều quy định mới về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
  • Chậm nhất ngày 01/7/2025, ngân hàng phải tuân thủ giới hạn góp vốn, mua cổ phần
    một tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư Quy định về việc xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD), công ty con của TCTD.
  • Bối cảnh tài chính khác nhau giữa 2 thời điểm bán tín phiếu
    một tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục thực hiện liên tiếp các phiên đấu thầu bán tín phiếu, kéo dài hơn 1 tuần qua. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến đợt bán tín phiếu tháng 9/2023, cùng với đó cũng là giai đoạn “rơi tự do” của thị trường chứng khoán.
Thiếu vốn, ngành nông nghiệp đứng trước nguy cơ giảm tốc giải ngân đầu tư công