Triển khai những giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng

(BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 225/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

11.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Văn bản nêu, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn, thời gian tới đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải quyết liệt, chủ động hơn nữa để có các chính sách, giải pháp điều hành nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá

Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt mục tiêu tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo, giải quyết kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt; đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong trung, dài hạn để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững...

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu

Rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để có giải pháp, biện pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu, trong đó:

Về tiêu dùng: có giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước; khẩn trương ban hành Nghị định của Chính phủ về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; triển khai kịp thời việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng sau khi Quốc hội thông qua.

Về đầu tư: tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, phát huy hiệu quả 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; có giải pháp khả thi, hiệu quả để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, năng lượng, chuyển đổi số; tạo thuận lợi cho hợp tác công tư, đầu tư tư nhân và FDI (nhất là các dự án FDI trong lĩnh vực năng lượng tái tạo), xử lý, giải quyết hiệu quả các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, trong đó có vướng mắc về đất đai, giải phóng nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đường cao tốc, một số sân bay theo hình thức hợp tác công tư (như cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình, cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa …)

Về xuất khẩu: tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết; tiếp tục mở rộng các thị trường mới (Trung Đông, Châu Phi…), đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa, chuẩn hóa các thủ tục về đầu tư, xây dựng để thực hiện trên môi trường điện tử; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục về đấu thầu, đấu giá; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, ngành, khu vực và của toàn nền kinh tế.

Giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6/2023

Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất; trong đó giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6/2023 và định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.

Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6/2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Tập trung điều hành thị trường liên ngân hàng, tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng theo hướng giảm dần lãi suất, bảo đảm vốn cho các tổ chức tín dụng, phát huy vai trò dẫn dắt của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Tiếp tục cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân; cương quyết cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết để hỗ trợ cho khách hàng vay vốn.

Khẩn trương rà soát, xem xét, sửa đổi phù hợp một số tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn cho vay theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, nhất là đối với các dự án khả thi, hiệu quả, các doanh nghiệp có năng lực;

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng;

Rà soát gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng và 120 nghìn tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn;

Khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác...

Giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6/2023

Bộ Công Thương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII, đẩy nhanh tiến độ Nhà máy điện Quảng Trạch II; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc. Phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia về Bộ Công Thương trong tháng 6/2023;

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở; cơ chế mua bán điện trực tiếp (hoàn thành trong tháng 7/2023);

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong tham gia thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6/2023; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong xử lý các vướng mắc phát sinh.

Tập trung xử lý các kiến nghị liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.../.

Cùng chuyên mục
  • Kỳ vọng gỡ nút thắt trong xử lý nợ xấu
    10 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được kỳ vọng có thể tháo gỡ các nút thắt liên quan đến thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng hiệu quả xử lý nợ xấu… Tuy nhiên, theo phân tích, đánh giá của các đại biểu Quốc hội, các quy định của Dự thảo Luật trình Quốc hội chưa thể giải quyết căn cơ những khó khăn, vướng mắc này.
  • Cần thêm động lực để kích cầu tín dụng
    10 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tín dụng 5 tháng đầu năm 2023 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp (DN) đang rất yếu. Do vậy, bên cạnh các giải pháp từ ngành ngân hàng, điều quan trọng để thúc đẩy tín dụng là tăng sức cầu của nền kinh tế.
  • Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển minh bạch, bền vững
    10 tháng trước Tài chính
    Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức ấn tượng, song bối cảnh kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán (TTCK) quốc tế diễn biến khó lường... đòi hỏi TTCK Việt Nam phải có các giải pháp căn cơ để tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch và bền vững trong tương lai.
  • Hà Nội: Đề xuất hỗ trợ 100% kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi
    10 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - UBND Thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết “Quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2024 - 2025”.
  • Nam Định: Nỗ lực để giữ vững vị trí hàng đầu về chất lượng giáo dục
    10 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Chiều 14/6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về tình hình giáo dục địa phương và công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2023.
Triển khai những giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng