Chú trọng đánh giá rủi ro, trọng yếu kiểm toán
Theo Vụ Tổng hợp KTNN, lập KHKT là giai đoạn đầu tiên của cuộc kiểm toán và đóng vai trò rất quan trọng, chi phối quá trình triển khai kiểm toán, đến chất lượng, hiệu quả chung của toàn bộ cuộc kiểm toán. Để có thể tiến hành kiểm toán, đơn vị kiểm toán phải thu thập các thông tin, dữ liệu cần thiết về đối tượng kiểm toán, từ đó đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu để tiến hành lập KHKT dựa trên rủi ro. Với phương pháp tiếp cận này, thay vì chỉ tập trung vào các lĩnh vực nghi ngờ điểm yếu, kiểm toán viên sẽ dựa trên năng lực xét đoán, kinh nghiệm, sự hiểu biết về đơn vị được kiểm toán để xác định những rủi ro liên quan đến hoạt động của tổ chức; đánh giá, xác định từng rủi ro kiểm toán.
Xác định vai trò quan trọng của việc áp dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong hoạt động kiểm toán, bắt đầu từ khâu lập KHKT chi tiết, KTNN đã ban hành hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán này trong một số lĩnh vực kiểm toán như: Kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương… làm cơ sở cho việc triển khai kiểm toán được thuận lợi. Tuy nhiên, do đây là phương pháp mới, cộng với yêu cầu về chất lượng kiểm toán ngày càng cao dẫn đến trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro kiểm toán đối với lĩnh vực ngân sách địa phương, đặc biệt là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và công tác quản lý điều hành thu chi ngân sách. Do đó, các đơn vị kiểm toán cho rằng, xác định tiêu chí để đánh giá trọng yếu cho các lĩnh vực kiểm toán là yêu cầu cấp thiết được đặt ra lúc này.
Bên cạnh đó, KTNN cần bổ sung hướng dẫn chi tiết về xác lập mức độ trọng yếu. Hướng dẫn này phải giúp kiểm toán viên vận dụng được khái niệm trọng yếu từ chuẩn mực - quy định đâu là đối tượng sử dụng chính thông tin trên báo cáo kiểm toán, cách thức thu thập thông tin về nhu cầu của người sử dụng báo cáo kiểm toán, cơ sở xác định trọng yếu, phương pháp xác định trọng yếu.
KTNN cần tiếp tục hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán để phục vụ công tác thu thập thông tin đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu tại các đơn vị được kiểm toán một cách hiệu quả; nghiên cứu và kế thừa các phát hiện kiểm toán trước đó để củng cố cho phát hiện kiểm toán các năm sau.
Vụ Tổng hợp
Tăng cường khả năng xét đoán chuyên môn
Nhấn mạnh việc sử dụng xét đoán chuyên môn là yêu cầu rất quan trọng nhằm nâng cao khả năng đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu phục vụ cho việc lập KHKT chi tiết, các ý kiến cho rằng, phương pháp này thể hiện đúng bản chất nghiệp vụ kiểm toán, phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Việc sử dụng xét đoán chuyên môn trở thành bắt buộc, để giảm thiểu rủi ro của việc đưa ra ý kiến không phù hợp.
Tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm soát chất lượng kiểm toán vừa qua, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KTNN) cho biết, tại một số cuộc kiểm toán, việc sử dụng xét đoán chuyên môn và thái độ hoài nghi nghề nghiệp để xác định các nội dung trọng yếu, sử dụng các thủ tục kiểm toán chưa đảm bảo... có thể làm gia tăng các rủi ro kiểm toán, do các thông tin thu thập được chưa thể phản ánh đúng bản chất của vấn đề, tình hình đơn vị được kiểm toán.
Từ thực tế này, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho rằng, các kiểm toán viên cần tăng cường khả năng xét đoán nghề nghiệp khi áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro từ khâu lập KHKT cho đến quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán. Để làm được điều này, cách thức duy nhất đó là kiểm toán viên cần không ngừng tự đào tạo để nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ. Việc đưa ra xét đoán nghề nghiệp phải đảm bảo dựa trên quy định về hoạt động kiểm toán, hệ thống chuẩn mực, mẫu biểu của KTNN.
Đây cũng là ý kiến được nhiều chuyên gia về lĩnh vực kiểm toán đưa ra. Theo đó, việc xác định trọng yếu kiểm toán phải được thể hiện rõ cả về mặt định lượng lẫn định tính. Trong đó, mặt định tính luôn đặt ra những thách thức nhất định cho kiểm toán viên khi đánh giá trọng yếu. Trong trường hợp này, kiểm toán viên phải xem xét trọng yếu dựa vào bản chất của vấn đề, khoản mục hoặc nghiệp vụ và hoàn cảnh. “Bản chất của việc đánh giá này là kiểm toán viên phải dựa trên xét đoán chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm của bản thân để đưa ra đánh giá” - PGS,TS. Đinh Thế Hùng (Viện Kế toán, Kiểm toán) cho biết; đồng thời khẳng định, yêu cầu về xét đoán chuyên môn càng trở nên cần thiết đối với các lĩnh vực kiểm toán mới, khó như kiểm toán môi trường, kiểm toán hoạt động.
Để giải quyết các thách thức này, KTNN cần tăng cường đào tạo cho kiểm toán viên; tổ chức các đoàn tham gia học tập kinh nghiệm kiểm toán quốc tế để chia sẻ rộng rãi trong toàn Ngành. Đặc biệt, các đơn vị kiểm toán cần tăng cường áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu đối với các cuộc kiểm toán, trong các loại hình kiểm toán để kiểm toán viên nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm vận dụng phương pháp này./.