Dự báo xuất khẩu trái cây sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới. Ảnh: TK
Theo ông Nguyễn Trung Kiên- Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), thời gian qua, hạn hán và xâm mặn đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Tính đến cuối tháng 5/2016, sản lượng lúa đông xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,13 triệu tấn; nước biển xâm nhập sâu hơn thông thường 10-25km; sản lượng tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14%; một số diện tích cà phê chết khô, năng suất kém; năng suất trái cây có múi và dừa, hạt tiêu đều giảm mạnh.
Trong quý I/2016 xuất khẩu nông sản Việt Nam có phục hồi nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm. Cụ thể xuất khẩu gạo, cà phê, giảm trên các thị trường lớn và truyền thống như: Đức, Mỹ, Nhật, Bỉ, Nga… xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Philippin cũng giảm. Nguyên nhân chính là do cung vượt cầu. Hiện Thái Lan, Ấn Độ dù đã tích cực xả kho gạo nhưng lượng tồn kho vẫn lớn, khiến giá gạo bị kìm giữ.
Một yếu tố khác gây bất lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam là việc đồng USD tăng giá khá mạnh so với các đồng tiền khác. Cụ thể, đồng Real Brazil giảm giá -42% so với USD, Rupee Ấn Độ -5%, Rupiah Indonesia -13%, Ringgit Malaysia -19%, Baht Thái -5%, trong khi VNĐ chỉ giảm -3%. Điều này gây bất lợi cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. TS. Trần Đức Thành- Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong khi nhiều nước đã phá giá đồng nội tệ để tranh thủ thúc đẩy xuất khẩu, thì VNĐ lại được neo khá chặt vào đồng USD, khiến VNĐ mạnh lên tương đối so với các đồng tiền khác. Do vậy, DN xuất khẩu nông sản sẽ dần dần bị cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Ở một góc độ khác, theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, mặc dù Việt Nam là một trong những nước hàng đầu về xuất khẩu nông sản, nhưng giá trị thu về còn khiêm tốn. Hiện Việt Nam mới đạt giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp khoảng 30 tỷ USD, trong khi doanh số của thế giới 15.000 tỷ USD/năm. Rõ ràng, tiềm năng phát triển nông nghiệp rất nhiều nhưng Việt Nam chưa tận dụng được.
Điểm sáng là rau quả, trái cây
Dù gặp phải nhiều khó khăn do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan làm ảnh hướng xấu đến xuất khẩu nông sản thời gian qua. Nhưng các chuyên gia kinh tế khẳng định, nhìn tổng thể, cơ hội phía trước vẫn là rất lớn khi cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng và khi chúng ta khai thác hiệu quả các sản phẩm có lợi thế. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, năm 2016 xuất khẩu rau quả được dự báo tích cực, nhiều khả năng rau quả Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ căng thẳng trong quan hệ thương mại Trung Quốc - Phillipines khi Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt lên chuối nhập khẩu từ Phillipines. Đồng thời, còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, NewZealand, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu…
Bên cạnh rau quả, ông Sergio René Araujo-Enciso – Ban Thương Mại và Thị trường (tổ chức FAO) nhận định, trái cây cũng là một sản phẩm có lợi thế và rất tiềm năng của Việt Nam. “Việt Nam là quê hương của sản phẩm trái cây nhiệt đới như thanh long, chôm chôm, vải. Trái cây nhiệt đới là một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất, khoảng 60% trái cây nhiệt đới được sản xuất tại Châu Á, điều này được dự báo sẽ không thay đổi tới năm 2024. Đóng góp của xuất khẩu trái cây nhiệt đới hay sản phẩm nhiệt đới vào thu nhập nông nghiệp Việt Nam là đáng kể, ngày càng tăng và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong thập kỷ tới”.
Đặc biệt, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; linh hoạt hơn trong các chính sách về tỷ giá; đẩy mạnh đàm phán, đấu tranh về các vấn đề rào cản kỹ thuật nhằm đảm bảo tiêu chuẩn ở mức độ hợp lý, tạo điều kiện phát triển thương mại công bằng; thắt chặt việc quản lý về buôn lậu và gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, chuẩn bị tốt cho ngành chăn nuôi khi Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực.