Đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động

(BKTO) - Góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tổng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động chỉ nên ở mức 20%.

0859-nganhdetmay.jpg
Nhiều doanh nghiệp khó khăn hơn nếu mức đóng bảo hiểm xã hội cao. Ảnh: ST

Mức đóng của doanh nghiệp Việt cao hơn so với các nước trong khu vực

Theo tính toán của các doanh nghiệp, tổng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay khoảng 32%. Cụ thể, doanh nghiệp đóng 17%, người lao động đóng 8%, đóng bảo hiểm y tế và khoản khác khoảng 7%.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, VCCI cho biết, nhiều quốc gia có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn Việt Nam, chẳng hạn như: Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn nên việc hạn chế gia tăng chi phí cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Đặc biệt, khi nhân công giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam và nhiều đối thủ cạnh tranh sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả chi phí về bảo hiểm xã hội.

Cần giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động xuống mức 20% nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển - VCCI đề xuất.

Trước đó, 8 hiệp hội gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

Các hiệp hội cho rằng mức đóng quỹ hưu trí và tử tuất với tổng 25% là quá cao so với khu vực. Trong đó, người lao động đóng 8% và doanh nghiệp đóng 17%. Về hai phương án tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội, các hiệp hội cho biết, nếu chọn phương án 1 - tiền lương tính đóng gồm lương tháng, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể - thì người lao động và doanh nghiệp sẽ bớt áp lực đóng bảo hiểm xã hội.

Song phương án này làm mất tính đồng bộ của chính sách, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tăng khoảng cách thu nhập khi đi làm và về hưu của người lao động tại các doanh nghiệp.

Còn phương án 2 tính tiền lương gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định (trừ tiền thưởng, hỗ trợ hoặc trợ cấp ngoài công việc). Theo đó, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao hơn sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh và lao động sẽ giảm thu nhập.

Nên giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp và người lao động

Trước dự kiến này, 8 hiệp hội, ngành hàng đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đối với cả hai phương án. Cụ thể, phương án 1 nên giảm tỷ lệ đóng của người lao động xuống 5%, doanh nghiệp chỉ đóng 15%. Tổng cộng là 20%.

Với phương án 2, các hiệp hội, ngành hàng đề xuất người lao động đóng 4% và doanh nghiệp đóng 12%. Tổng cộng là 16% nhưng nên đóng dựa trên thu nhập thực tế (trừ các khoản không mang tính chất lương).

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn hiện chiếm khoảng 33% tổng quỹ lương của các doanh nghiệp và là mức cao nhất so với tất cả các nước trong ASEAN.

Thực tế, cơ sở đóng BHXH có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở bài toán an sinh cho xã hội, người lao động, mà còn là bài toán năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Do đó, cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá điều kiện thực tiễn, cân nhắc kinh nghiệm quốc tế, khu vực một cách toàn diện để lựa chọn phương án khả thi, hợp lý.

Nếu mức đóng bảo hiểm xã hội giảm cũng sẽ một phần nào đó giảm số lượng lao động rút tiền bảo hiểm xã hội một lần, giúp chính sách an sinh thực sự phát huy hiệu quả lâu dài - ông Dương nhấn mạnh.

Theo lộ trình, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2023 và bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024./.

Cùng chuyên mục
Đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động