Hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về môi trường cần được giải quyết dứt điểm

(BKTO) - Hiện nay, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về môi trường đã đạt được những thành tựu nhất định, nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường được hạn chế. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều vướng mắc cần được tập trung giải quyết.



Còn nhiều hạn chế trong quản lý nhà nước về môi trường

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, Việt Nam có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và không khả thi. Các quy định không có tính gắn kết, nhiều nội dung còn bị bỏ ngỏ như: quy định về quản lý, xử lý chất thải ở khu vực nông thôn; vấn đề thu phí và lệ phí trong quản lý chất thải nông nghiệp, làng nghề…

Ngoài ra, tính ổn định của hệ thống văn bản pháp luật về BVMT không cao, nhiều văn bản vừa được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung làm hạn chế hiệu quả trong việc BVMT. Bên cạnh đó, trách nhiệm QLNN về BVMT hiện nay được phân công cho nhiều Bộ, ngành, dẫn đến việc triển khai trong thực tế gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, thiếu đồng bộ trong phối hợp.

Quyền hạn pháp lý của các tổ chức BVMT, nhất là của lực lượng cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh, chậm nắm tình hình, chậm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường và các loại tội phạm về môi trường vừa thiếu, vừa chưa đủ mạnh. Hiện nay, Việt Nam có rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự trong khi các vụ việc nghiêm trọng vẫn thường xuyên diễn ra. Còn các biện pháp xử lý khác như buộc phải di dời ra khỏi khu vực gây ô nhiễm, đình chỉ hoạt động lại không hiệu quả do các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, DN chây ỳ không thực hiện.

Bên cạnh đó, nhận thức, trách nhiệm về BVMT của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, DN, cộng đồng dân cư còn hạn chế, chỉ chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác BVMT. Cơ chế thu hút FDI bằng mọi giá tại một số địa phương đang đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường. Các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác BVMT, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát. Công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại nhiều bất cập và chưa được coi trọng đúng mức, thậm chí chỉ được tiến hành một cách hình thức, qua loa cho đủ thủ tục dẫn đến chất lượng thẩm định và phê duyệt không cao.

Ngoài ra, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác BVMT còn hạn chế, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Ở cấp xã, nhiệm vụ quản lý về môi trường gần như bị bỏ trống. Thực tế, lực lượng cán bộ quản lý môi trường ở nước ta rất ít về số lượng, chỉ có 10 người/1 triệu dân, rất thấp so với các nước như: Trung Quốc (20 người/1 triệu dân), Thái Lan (30 người/1 triệu dân), Malaysia (100 người/1 triệu dân).

Một vấn đề nữa là công tác quy hoạch BVMT chậm được ban hành để làm căn cứ thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. Báo cáo đánh giá tác động môi trường - công cụ BVMT trong các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, quy trình thực hiện đánh giá thiếu chặt chẽ. Theo quy định, việc đánh giá này là để cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhưng trong quá trình lập báo cáo đầu tư, cơ quan phê duyệt đánh giá tác động môi trường lại không nắm được thiết kế chi tiết, thiết kế xây dựng, thi công dự án. Thêm nữa, năng lực các tổ chức tư vấn đánh giá tác động môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có quy định chặt chẽ về tổ chức tư vấn và hội đồng thẩm định.

Trên thực tế, BVMT dường như vẫn đang được xem là trách nhiệm của Nhà nước. Trong khi quan điểm BVMT là trách nhiệm của toàn xã hội vẫn chưa được thực thi một cách đầy đủ do thiếu những quy định xác định rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, phân định nhiệm vụ giữa Nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục về BVMT còn hạn chế, chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia gìn giữ và BVMT.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường

Những năm tới, việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đưa đất nước phát triển bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây cũng là giai đoạn nước ta đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó có công tác BVMT. Để nâng cao hiệu quả QLNN về môi trường, một số giải pháp sau đây cần được cân nhắc và triển khai:

Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần giải quyết dứt điểm những vấn đề môi trường gây bức xúc dư luận, trong khi định hướng phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới nền kinh tế xanh đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác BVMT. Các vụ việc về môi trường cần được nhanh chóng giải quyết triệt để.

Thứ hai, vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, các thành phần kinh tế đối với công tác BVMT cần được nâng cao. Nhà nước cần quán triệt các nguyên tắc cơ bản “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; “người hưởng lợi về môi trường phải có trách nhiệm chi trả” để từ đó xây dựng các cơ chế giá, phí về môi trường phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm đủ để đầu tư trở lại cho công tác phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Nguồn thu từ môi trường cần ưu tiên đầu tư trở lại cho công tác BVMT, không thể tiếp tục lạm dụng để chi tiêu, sử dụng cho các mục đích khác.

Thứ ba, Nhà nước cần xác định rõ mục tiêu đối với công tác BVMT trong năm 2020. Chúng ta cần phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường như mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị T.Ư khóa XI đã đề ra.

Thứ tư, thể chế về sở hữu, quản lý các loại tài nguyên thiên nhiên của đất nước cần được làm rõ. Theo đó, tài nguyên thiên nhiên là thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện quản lý. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải được nắm chắc thông qua việc đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quản chặt, bảo đảm việc khai thác theo chiều sâu, hiệu quả cao; hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, khai thác tài nguyên gây ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, các vấn đề ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường cần được nhận thức rõ ràng, nó không chỉ đe dọa an toàn và an ninh cá nhân mỗi con người, mà còn là một trong những nguy cơ lớn đe dọa an ninh quốc gia và sự sống còn của cả xã hội loài người. Do vậy, vấn đề an ninh môi trường cần phải được đề cập một cách thỏa đáng trong nội dung về bảo vệ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

GS,TS. TRẦN VĂN CHỨ
Trường Đại học Lâm nghiệp
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 29-8-2019
Cùng chuyên mục
Hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về môi trường cần được giải quyết dứt điểm