Qua kiến nghị kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công

(BKTO) - Khẳng định những kết quả trong công tác quản lý vốn đầu tư công của tỉnh thể hiện những nỗ lực to lớn của địa phương và sự đóng góp không nhỏ của Kiểm toán nhà nước (KTNN), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về vấn đề này.

dji_0791.jpg
Dự án đường bao biển nối TP. Hạ Long - TP. Cẩm Phả có tổng chiều dài toàn tuyến là 18,69 km. Ảnh ST

Thưa ông, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong công tác quản lý, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, cũng như vai trò của KTNN đối với công tác này tại địa phương?

Triển khai thực ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các Chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2023.

Tổ công tác đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra và tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện xử lý tài sản công để thực hiện các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, Tổ giám sát các dự án trọng điểm được thành lập do các ban quản lý chuyên ngành của tỉnh làm chủ đầu tư cũng góp phần quan trọng vào công tác quản lý, thúc đẩy giải ngân vốn của tỉnh.

Trong triển khai đầu tư công, tỉnh đã tích cực chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp, vị trí đổ thải, chuyển mục đích sử dụng đất... 

dsc_6593.jpg

Qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã giúp địa phương nhận diện rõ hơn những thiếu sót, bất cập và nguy cơ rủi ro để địa phương kịp thời phòng ngừa, cũng như chấn chỉnh. Với ý nghĩa đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai nghiêm túc kết luận, kiến nghị kiểm toán; đồng thời rút kinh nghiệm trong tổ chức triển khai đầu tư công.

Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Thanh Tâm

Công tác kiểm soát và thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật. Tính đến ngày 31/12/2019, tỉnh còn nợ đọng là 1.158.688 triệu đồng, đến nay toàn bộ nợ đọng đã được giải quyết. 

Công tác thu hồi vốn ứng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đối với nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, tổng số vốn ứng của tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2019 chưa thu hồi là 1.404.163 triệu đồng, đến nay chỉ còn 142.160 triệu đồng do tỉnh Quảng Ninh đã ứng cho TP. Hải Phòng bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT. 

Tại tỉnh, tổng nguồn vốn ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách địa phương (khoảng 55%), tỷ lệ giải ngân vốn/kế hoạch vốn ngân sách cấp tỉnh ngày càng được cải thiện (năm 2021 giải ngân đạt 91,4%; năm 2022 đạt 91,9%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của định phương. 

Việc bố trí vốn đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tập trung các công trình có tính động lực cao, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng phát huy hiệu quả. Trong đó, tổng số dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 82 dự án với tổng mức đầu tư trung bình hơn 374.000 triệu đồng/dự án, gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2016-2020.

Từ những kiến nghị của kiểm toán, Sở Kế hoạch và Đầu tư có những giải pháp ra sao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công tại địa phương, thưa ông?

Trên cơ sở kết luận, kiến nghị của KTNN, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã nâng cao công tác tham mưu, từng bước khắc phục những tồn tại hạn chế, rút ra kinh nghiệm để không mắc phải những hạn chế, thiếu sót. 

Cụ thể, Sở KHĐT đã tham mưu UBND tỉnh đã ban hành các Chỉ thị, Thông báo kết luận và trên 40 văn bản chỉ đạo, trong đó phân công và giao nhiệm vụ các chủ đầu tư gắn với tiến độ cụ thể từng dự án; giao nhiệm vụ cho các thành viên tổ công tác theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn đối với 14 chương trình, dự án trọng điểm. 

dsc_3468(1).jpg
Quan kiểm toán, KTNN đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm với các cơ quan, chủ đầu tư trong triển khai đầu tư công. Ảnh: N.Lộc

Đặc biệt, Sở KHĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023, sửa đổi Nghị quyết 303/2020/NQ-HĐND về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao quyền chủ động cho địa phương trong sử dụng vốn chấm điểm, kịp thời giải quyết khó khăn liên quan đến nguồn thu tiền sử dụng đất, đẩy nhanh tiến độ, phát huy hiệu quả các dự án góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân ở các địa phương chưa tự chủ ngân sách.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh 8 văn bản để báo cáo Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, từ đó báo cáo Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án Giải phóng mặt bằng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phần vốn ngân sách Trung ương với số vốn là 142.160 triệu đồng; phân bổ số vốn trên cho dự án từ nguồn vốn phù hợp trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thanh toán dứt điểm tiền ngân sách tỉnh đã ứng cho TP. Hải Phòng thực hiện giải phóng mặt bằng dự án. 

Ông có đề xuất gì để hoạt động kiểm toán của KTNN hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác đầu tư công tại địa phương?

Thời gian qua, việc phối hợp giữa KTNN và tỉnh Quảng Ninh nói chung, với Sở KHĐT nói riêng được triển khai rất chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện theo kiến nghị kiểm toán; cũng như thực tiễn công tác quản lý tại địa phương còn gặp một số khó khăn do vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách chung. 

Do đó, qua thực tiễn kiểm toán, địa phương mong muốn KTNN tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng điều chỉnh, bổ sung một số quy định còn bất cập trong Luật Đầu tư công, Luật Đất đai… 

Cụ thể, KTNN xem xét đề nghị Bộ KHĐT tham mưu Chính phủ trình Quốc hội có quy định giao cho HĐND các cấp quyết định phân cấp việc kéo dài thời gian thực hiện, cũng như kéo dài thời gian bố trí vốn đối với các dự án bố trí vốn và giải ngân nguồn vốn ngân sách cấp mình để phù hợp với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và giao kế hoạch vốn hàng năm.

Đề nghị Bộ KHĐT báo cáo Chính Phủ trình Quốc hội điều chỉnh một số nội dung của Luật Đầu tư công như: Cho phép tách giai đoạn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; cho phép giao cho các Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Đề nghị Bộ KHĐT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính Phủ điều chỉnh, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/NQ-CP quy định thi hành Luật Đầu tư công liên quan đến các trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, qua công tác rà soát, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán vừa qua, KTNN xem xét đề xuất cơ chế cho phép tỉnh xử lý một số nội dung vướng mắc, tồn đọng kéo dài đã được KTNN kiến nghị trước đây; đồng thời hướng dẫn tỉnh có giải pháp đối với các kiến nghị kiểm toán khó thực hiện do vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Qua kiến nghị kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công